Ý nghĩa, sâu sắc Diễn đàn “Đại thi hào Nguyễn Du – Sáng mãi Tâm, Tài”

Ý nghĩa, sâu sắc Diễn đàn “Đại thi hào Nguyễn Du – Sáng mãi Tâm, Tài”

16:56 24/09/2020
    633

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Thiết thực kỷ niệm 255 năm Ngày sinh và Tưởng niệm 200 năm Ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du, ngày 23/9/, tại Thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo tổ chức điểm cấp tỉnh Diễn đàn “Đại thi hào Nguyễn Du – Sáng mãi Tâm, Tài”.

Diễn đàn là dịp để các thế hệ người dân Hà Tĩnh, người Việt Nam và bạn bè năm châu tưởng nhớ đến những cống hiến, đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa dân tộc và nhân loại. Qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của Truyện Kiều bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng các loại hình nghệ thuật như: CLB lẩy Kiều, vịnh Kiều, ngâm Kiều nhằm tiếp tục lan tỏa các giá trị của tác phẩm Truyện Kiều và Nguyễn Du.

 

Đồng chí Lê Thành Đông – Bí thư Tỉnh đoàn tham gia giao lưu tại Diễn đàn

 

Tại Diễn đàn, các bạn đoàn viên thanh niên đã được nghe đại biểu khách mời giao lưu, trò chuyện để hiểu hơn cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du đối với nhân loại; hiểu hơn về những giá trị bất hủ của chữ “Tâm”, chữ “Tài” trong tác phẩm và tâm hồn Đại Thi hào Nguyễn Du. Từ đó bàn về vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc phát huy những giá trị văn hóa quý báu từ cốt cách, tư tưởng Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.

Chia sẽ tại Diễn đàn, đồng chí Lê Thành Đông – Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết: Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du thực sự là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của quê hương Hà Tĩnh. Những  tư tưởng nhân văn và triết lý sống sâu sắc của Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều vẫn đến nay vẫn sống còn với thời đại, mang đậm bản sắc văn hóa, tinh thần của dân tộc, như Nhà văn hóa Nguyễn Quỳnh đã từng viết trong bài diễn thuyết của ông vào đầu thế kỷ 20 “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Và tự hào hơn khi lớp trẻ hôm nay vẫn có nhiều người đang tiếp nối, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều.

Tự hào là quê hương của Danh nhân Văn hóa Thế giới, Đại thi hào Dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều. Trong suốt chặng đường qua, tổ chức Đoàn thanh niên đã có nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả để tri ân, tôn vinh Đại thi hào và giữ gìn, phát huy những giá trị tác phẩm Truyện Kiều trong công tác giáo dục thế hệ trẻ thông qua các hoạt động như nói chuyện chuyên đề, diễn đàn, trao đổi, đối thoại, sân khấu hóa, hành trình về địa chỉ đỏ; gắn việc phát huy bảo tồn các giá trị truyền thống với triển khai Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” có “Tâm trong”, “Trí sáng”, “Hoài bão lớn” với việc tuyên truyền, lan tỏa giá trị “Tâm” – “Tài” mà Đại thi hào Nguyễn Du đã đề cập; đồng thời thực hiện có hiệu quả phong trào hành động của tuổi trẻ gắn với các nhiệm vụ về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2019 – 2025, định hướng năm 2035.

 

ĐVTN xem phim tư liệu về Đại thi hào Nguyễn Du

 

Là một trong những người tiếp nối, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của Truyện Kiều bằng loại hình nghệ thuật Trò Kiều, nghệ nhân Nguyễn Huýnh – Chủ nhiệm CLB Trò Kiều – xã Xuân Liên cho rằng đến với trò Kiều, người nghe không chỉ được cảm nhận về cái hay, cái độc đáo của Truyện Kiều mà nó còn là sợi dây gắn kết các thế hệ xích lại gần với nhau. Do vậy, để bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của Truyện Kiều thì việc củng cố, duy trì các Câu lạc bộ, các loại hình về Kiều là một việc làm quan trọng, kịp thời và cần thiết.

Chia sẻ về trách nhiệm của người trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị của Truyện Kiều nói riêng và và các giá trị của văn hóa dân tộc nói riêng, Ca nương Thu Hà – đoàn viên sinh ra và lớn lên trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du – một trong những người trẻ tuổi đã và đang thành công ở loại hình nghệ thuật Ca Trù cho rằng việc gìn giữ và phát huy những tinh hoa của Truyện Kiều không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành văn học, nghệ thuật mà còn là nhiệm vụ chung của mỗi người dân Việt, bởi đó chính là quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Bằng cách này hay cách khác, việc bảo tồn và gìn giữ những di sản mà Nguyễn Du thể hiện phần nào tinh thần yêu nước của mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Vượt qua biết bao thăng trầm lịch sử, Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều luôn khẳng định giá trị to lớn, trở thành biểu tượng văn hóa sáng ngời của dân tộc. Nhân loại hôm nay và mai sau mãi nhớ đến Nguyễn Du, nhớ đến tư tưởng nhân văn và triết lý sống sâu sắc, coi trọng chữ “Tâm”, chữ “Tài”. Dẫu đi xa mấy trăm năm nhưng “Tâm”, “Tài” của Nguyễn Du vẫn sáng mãi những giá trị cao đẹp và chưa bao giờ vắng bóng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Tại diễn đàn, các bạn đoàn viên thanh niên cũng đã được xem phim tư liệu về cuộc và sự nghiệp của Nguyễn Du, đồng thời được thưởng thức những tiết mục đặc sắc về các loại hình nghệ thuật về Kiều do các khách mời và đoàn viên thanh niên biểu diễn.

Cũng tại Diễn đàn, BanThường vụ Tỉnh đoàn, Công ty Cổ phần CED đã trao tặng 10 suất quà cho các hộ gia đình dòng học Nguyễn và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Thị Trấn Tiên điền Huyện, Nghi Xuân.

Trước đó, Đoàn đại biểu đã tham gia Lễ dâng hương tưởng niệm tại Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Tối cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo Huyện đoàn Nghi Xuân tổ chức Lễ thắp nến tưởng niệm tại Khu mộ Đại thi hào Nguyễn Du.

Chuỗi hoạt động được tổ chức trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du với nhiều cảm xúc lắng đọng, thể hiện sự tôn vinh, tri ân những đóng góp của Đại thi hào đối với văn hóa dân tộc và nhân loại; qua đó, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và phát huy vai trò trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương, dân tộc.

 

CTV Tỉnh đoàn Hà Tĩnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *