Thủ khoa trường Dược với chiếc xe đạp cà tàng
13:14 05/08/2012
1584
Công tác giáo dục Nhà nghèo, lại phải chứng kiến cái chết của anh trai khi mới 13 tuổi và bố vì bệnh hiểm nghèo, Duẩn quyết tâm trở thành thầy thuốc.
|
Chiếc xe đạp cà tàng theo Duẩn suốt những năm học cấp hai và cấp ba. |
Căn nhà ngói siêu vẹo của ba mẹ con Lê Đức Duẩn ở làng Nhị Khê (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) luôn tấp nập hàng xóm và các nhà hảo tâm từ khi em đỗ thủ khoa Đại học Dược Hà Nội.
Đỗ hai trường (ĐH Dược Hà Nội và Học viện Y học Cổ truyền) nhưng Duẩn quyết định sẽ chọn ĐH Dược vì mong muốn sau này chữa bệnh cho mọi người. Chứng kiến cái chết của anh trai khi mới 13 tuổi và bố vì bệnh hiểm nghèo, Duẩn quyết tâm sẽ trở thành thầy thuốc. Nhìn mẹ suy sụp sau cái chết của hai người thân yêu, cậu học trò nghèo chỉ biết cố gắng học thật giỏi. Đã hai lần Duẩn muốn nghỉ học để mẹ không phải vất vả nhưng được cô giáo tới động viên và tặng sách vở, cậu lại tiếp tục. Để nuôi các con và trả tiền nợ chữa bệnh, cô Nghiêm Thị Thu, mẹ Duẩn, đi mò cua, bắt ốc, phụ hồ và làm thuê bất kỳ công việc nào ra tiền.
Muốn hai con được học hành đàng hoàng, người mẹ ấy nhận thêm nhiều công việc mây tre đan để có thêm tiền. Mỗi ngày làm cật lực, cô cũng kiếm được… 20.000 đồng. Hôm nào kiếm được cua, ốc, cô Thu lại phải dè xẻn chia mỗi ngày chỉ tiêu 5.000 đồng tiền thức ăn cho ba mẹ con bù cho những ngày không kiếm được gì. Bữa cơm không hay chỉ có vài cọng rau luộc là bình thường với mẹ con Duẩn, hôm nào sang mới có lạc và đậu phụ.
|
Ba mẹ con Duẩn và cô cháu gái sang chơi. |
Chiếc xe đạp cũ kỹ, mất một bên phanh, lốp buộc dây chun là tài sản đáng giá nhất của Duẩn, xếp ngay ngắn trong góc nhà. Suốt những năm cấp hai, cấp ba, hằng ngày Duẩn đạp xe 10 km đến trường. Chiếc xe cà tàng nhiều hôm dở chứng xịt lốp, hỏng giữa đường khiến cậu phải dắt bộ đến lớp. Phải ở lại trường vì học cả ngày, Duẩn mang cặp lồng cơm từ nhà đi cho đỡ tốn. “Mới đầu cũng ngại nhưng thấy mẹ chẳng có nổi 10.000 đồng cho con ăn bữa trưa ở trường, mỗi sáng em đều xách cơm đi học”, Duẩn tâm sự.
Hôm nào được mẹ cho tiền, Duẩn chỉ dám ăn hết 8.000 đồng để lại 2.000 đồng mang về gửi lại mẹ. Bữa nào bị nhỡ, cậu mua tạm hai chiếc bánh mỳ. Bị bệnh đại tràng nhưng chàng thủ khoa vẫn cố chịu đựng, không dám đi khám vì sợ tốn tiền. Sức khỏe yếu, cậu học trò có dáng người gày nhẳng chỉ giúp được mẹ những công việc nhà nhẹ nhàng. Thấy mẹ nhận hàng mây tre đan về làm, cậu cũng tranh thủ vừa học vừa kiếm tiền giúp mẹ. Với việc cạp miệng cho giỏ mây nhỏ, Duẩn được nhận tiền công 200 đồng. Mỗi ngày, cậu phấn đấu phải làm được 20.000 đồng như mẹ. Thấy anh ham học, cậu em của Duẩn muốn nghỉ để nhường cho anh đi học. Trái với cậu anh ốm yếu, cậu em phúng phính và nghịch ngợm.
|
Mấy hôm nay, nhà Duẩn lúc nào cũng tấp nập khách tới thăm và chia vui. |
Mẹ Duẩn chia sẻ, suốt ba năm cấp ba, Duẩn chỉ có hai chiếc áo cánh và hai áo khoác đồng phục của trường để mặc thay đổi. Đến năm cuối cấp, Duẩn vẫn chỉ mặc chiếc quần cũ đã cộc tớn đến mắt cá chân. Đôi dép tổ ong đứt ngang dọc và mòn vẹt chỉ mới được thay bằng đôi dép anh chị họ mua cho đợt Duẩn lên Hà Nội thi đại học. Trước hôm đi, người bác ruột cho cháu mượn đôi giày của mình nhưng Duẩn không muốn quá cầu kỳ.
“Hôm cháu đi thi, tôi bán vội ít thóc và có ít tiền gom góp từ những lần làm phụ hồ được 1 triệu đồng. Lúc về, tôi thấy cháu chỉ tiêu hết có 200.000 đồng. Trên ấy cháu cũng có các anh họ học đại học cho ở nhờ”, cô Thu vừa nói vừa hướng ánh mắt trìu mến về phía con.
Hôm được các bạn thông báo mình được 29 điểm, Duẩn lên trần nhà đứng một mình và… cười. Chỉ tới khi người anh họ ở Hà Nội gọi điện về chắc chắn điểm số và thông báo cao điểm nhất trường, Duẩn mới dám tin là thật.
“Em chỉ cố gắng hết sức và mong đỗ chứ không nghĩ mình lại đỗ thủ khoa. Giờ thì em có thể thực hiện ước mơ của mình được rồi”, chàng thủ khoa “ỏn ẻn” nở nụ cười răng khểnh có duyên. Chỉ nặng 40 kg, thân hình gầy gò, nhưng trên gương mặt thông minh và đôi mắt sáng luôn ánh lên niềm hy vọng.
Duẩn cho hay lớp cấp ba của cậu gần như đỗ đại học 100% trong đó cũng có một bạn khác đỗ ĐH Dược. Duẩn chưa nhập học nhưng hiện tại đã có một vài công ty dược tìm đến muốn giúp đỡ cậu về công việc. Sắp tới, để chuẩn bị cho con đi học, mẹ Duẩn sẽ vay lãi 8 triệu đồng tiền hỗ trợ ở xã. “Nghèo cũng phải cho cháu đi học lấy nghề nghiệp ổn định. Tôi ở nhà đi làm thuê, ăn rau cũng thấy cui lòng”, cô Thu vui vẻ nói.