Thu hút, tạo nguồn cán bộ từ trí thức trẻ
16:45 04/12/2015
1480
Công tác giáo dục Đến nay, sau 4 năm triển khai, có thể thấy việc tăng cường trí thức trẻ về giúp địa phương phát triển kinh tế – xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương hết sức đúng đắn.
Tại Hội nghị sơ kết dự án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định đây là khâu đột phá trong công tác cán bộ, là sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước đối với thế hệ trẻ; đây là cơ hội để trí thức trẻ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn ở cơ sở; qua đó, cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm theo dõi, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán lâu dài cho các xã, huyện, tỉnh trong phạm vi dự án.
Các đội viên dự án 600 Phó Chủ tịch xã được tuyển chọn từ trên 2.000 hồ sơ của trí thức trẻ đăng ký tham gia dự án, phần lớn các ứng viên được đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, quản lý đất đai, môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế, tài chính và kế toán (chiếm 57,93%), sư phạm, kỹ thuật, công nghệ thông tin (chiếm 28,28%), còn lại thuộc chuyên ngành đào tạo về văn hóa, luật, công tác xã hội, hành chính học (chiếm 13,79%).
Các đội viên dự án chủ yếu là người địa phương (người có hộ khẩu ngoại tỉnh chiếm 14,31%) |
Sau khi được bầu và phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch xã, các đội viên dự án được Ủy ban nhân dân các xã phân công công tác cụ thể, trong đó 322 đội viên dự án được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế (chiếm 55,52%), 258 đội viên dự án được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội (chiếm 44,48%). Ở một số xã ngoài lĩnh vực được phân công phụ trách, đội viên dự án còn được giao quản lý một số mảng công tác khác.
Thực tế cho thấy, các đội viên dự án đã nhanh chóng tiếp cận với công việc, nêu cao tinh thần xung kích, sức sáng tạo của tuổi trẻ, có ý thức vươn lên, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, khiêm tốn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm công tác.
Phần lớn các đội viên có tác phong nhanh nhẹn, lề lối làm việc khoa học, nhiệt tình và đặc biệt là tinh thần vượt khó nên có ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.
Các trí thức trẻ khi về xã công tác đã có mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi với cán bộ, công chức ở cơ sở, có tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cấp trên, của đồng nghiệp và ý kiến của nhân dân. Có ý thức gắn bó lâu dài ở địa phương, một số đội viên đã đưa gia đình đến sinh sống tại địa phương hoặc xây dựng gia đình tại địa phương. Tích cực bám sát nắm cơ sở, tìm hiểu phong tục, tập quán địa bàn công tác…
Về với địa phương, các đội viên dự án đã chủ động tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân xã ban hành quy chế làm việc, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và bộ phận một cửa, góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ công chức đối với thực hiện nhiệm vụ, công vụ góp phần từng bước thay đổi lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, vận dụng kiến thức chuyên môn, kỹ thuật vào việc hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Nhiều mô hình thực hiện thành công như: Đề án “Trồng gừng trong bao”, “Phát triển cây cao-su”, “Nhân rộng các mô hình mía nguyên liệu, rau an toàn và bò sinh sản”, “Phát triển du lịch cộng đồng”, “Trồng chè Shan”, “Trồng khoai tây”, “Nuôi bò vỗ béo”, “Mô hình nuôi cá lồng lòng hồ Thủy điện Hủa Na”,…
Không ít Phó chủ tịch xã trực tiếp tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách pháp luật đến người dân, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách xóa đói giảm nghèo, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực ở cơ sở, nhất là trên lĩnh vực xã hội như: chỉ đạo các trường học trên địa bàn xã vận động học sinh đến lớp đạt tỷ lệ cao (tỷ lệ đến lớp mầm non và trung học cơ sở đạt hơn 90%, hệ tiểu học đạt hơn 97%), vận động người dân làm và hoàn thiện 300 công trình nhà vệ sinh cải thiện môi trường, thi công “Tuyến đường liên gia” xuyên rừng dài 12 km kết nối đồng bào Mông với trung tâm xã; thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, qua rà soát và đánh giá lại tỷ lệ đói nghèo của xã giảm từ 87,6% xuống còn 52,76%…
Thành công là vậy, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít khó khăn, như một số Đội viên dự án chưa có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở cấp xã, ít có kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh, đặc biệt là những vấn đề thuộc về chính sách đối với đồng bào các dân tộc,…
Kinh nghiệm thực hiện dự án 600 Phó Chủ tịch xã tạo điều kiện để Bộ Nội vụ triển khai thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013- 2020 (gọi tắt là Đề án 500) được thuận lợi hơn.
Tính đến cuối năm 2014, Bộ Nội vụ đã tuyển chọn đủ 500 trí thức trẻ tham gia Đề án của 34 tỉnh từ 5.485 hồ sơ của trí thức trẻ đăng ký tham gia. Tính tới ngày 13-3-2015, đã có 135 tri thức trẻ được bố trí về xã công tác sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cần thiết cho Đội viên Đề án 500.
Ngoài chính sách tăng cường trí thức trẻ về các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn để giúp cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế – xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, nhiều cơ quan bộ, ngành và địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ nhằm thu hút những người có trình độ cao, trong đó có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về cơ quan, đơn vị, địa phương công tác.
Tuy nhiên, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao thời gian qua nhìn chung chưa đủ sức thu hút mạnh mẽ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội và lực lượng vũ trang.
Một số thu hút được thì còn lúng túng, bị động trong bố trí, sử dụng, có nơi còn tư tưởng hẹp hòi, định kiến, không mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ nên họ chưa yên tâm công tác, thiếu tập trung suy nghĩ nghiên cứu, không phát huy được hết năng lực, sở trường gây lãng phí nguồn lực, phát sinh dư luận không tốt về chủ trương sử dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, ngày 24-01-2014, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 86-KL/TW về “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ” nhằm xây dựng cơ chế, chính sách đủ sức thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có trình độ, năng lực chuyên môn cao, phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế để từng bước đào tạo, bồi dưỡng thành nhân tài cho đất nước.
Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2020, thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước; lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, chính sách được đưa thực hiện đồng bộ từ khâu phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch và tôn vinh.
Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tin tưởng vào thế hệ trẻ.
Hy vọng rằng, các trí thức trẻ luôn phát huy được tinh thần xung kích, tình nguyện, vượt khó và sáng tạo của mình để có những đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời đây cũng là cơ hội các các trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn công tác.