Thanh niên Tây Nguyên góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thanh niên Tây Nguyên góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

08:30 15/03/2013
    5468

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Chiều 10/03/2013, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Hội LHTN Việt Nam các tỉnh khu vực Tây Nguyên tổ chức Hội nghị góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho cán bộ Đoàn, Hội, đoàn viên thanh niên.
Dự Hội nghị có đồng chí Phan Văn Mãi, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Phi Long, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam, các đồng chí đại diện BTV tỉnh đoàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Anh Nguyễn Phi Long (đứng) phát biểu kết thúc Hội nghị
Anh Nguyễn Phi Long (đứng) phát biểu kết thúc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Y Vinh Tơr, Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk cho biết: Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là văn bản có tính pháp lý cao nhất của đất nước. Việc sửa đổi hiến pháp có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền,  phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việc lấy ý kiến cán bộ Đoàn, đoàn viên, hội viên, thanh niên về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận của đoàn viên, hội viên và thanh niên đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992 liên quan đối với thanh niên, MTTQ và các tổ chức thành viên; quyền con người, chế độ chính trị, chủ quyền Tổ quốc, về vấn đề lực lượng vũ trang..Các ý kiến đều đồng ý, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều tiến bộ, khẳng định chủ quyền đất nước, đề cao quyền con người…

Đông đảo các ý kiến góp ý đều thống nhất nên giữ lại Điều 66, Hiến pháp năm 1992 về thanh niên và bổ sung thêm vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong điều này, để khẳng định vai trò của thế hệ trẻ đối với hiện tại và tương lai của đất nước. Thanh niên không phải là một giới, mà là một thế hệ và là rường cột của nước nhà, là hiện tại và tương lai của đất nước. Việc giữ lại và bổ sung Điều 66, Hiến pháp năm 1992 sẽ tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có một hành lang pháp lý để học tập, cống hiến và phát triển năng lực của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Liên quan đến góp ý sửa đổi cụ thể, một số ý kiến cho rằng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn dài; đôi chỗ cách sử dụng từ ngữ còn rườm rà,  thiếu nhất quán trong một số khái niệm.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đoàn kết Tập hợp Thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết và sâu sắc của các đại biểu và cho biết sẽ tiếp thu một cách trung thực các ý kiến, sau đó tổng hợp  chuyển về cơ quan có thẩm quyền. Đồng chí đề nghị, tuổi trẻ Tây Nguyên cần góp phần cùng với các cấp, các ngành nghiên cứu, tham gia góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thông qua nhiều hình thức.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *