Thắm tình đồng đội
06:55 17/07/2013
1189
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao thế hệ thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi tình nguyện lên đường bảo vệ quê hương đất nước. Chiến tranh, bom đạn đã lấy đi một phần thân thể, có người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.
Không chỉ tích cực tìm kiếm hài cốt của đồng đội, cô Đoàn Thị Hồng Khéo, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn còn là tấm gương cần cù lao động, vươn lên khấm khá. |
Hành trình tìm đồng đội
Lần giở tài liệu ghi chép những chuyến khảo sát, tìm hài cốt đồng đội, cô Đoàn Thị Hồng Khéo, cựu TNXP Đại đội Mai Thanh Thế (Sóc Trăng) – nay sống ở phường Phước Thới, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) vẫn còn bồi hồi xúc động khi nhắc đến chuyện vừa tìm được 4 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 2 nữ TNXP là đồng đội của mình. Tháng 6-2013 hay tin cán bộ chỉ huy Đội K92 – Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang thông báo sắp có chuyến đi sang Campuchia, thế là cô cùng với một nữ cựu TNXP ở Cà Mau bắt xe đò đến Kiên Giang rồi phối hợp với Đơn vị K92 – Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang sang Campuchia. Dẫu biết rằng cảnh vật, địa hình khi xưa nay đã thay đổi nhiều khiến việc xác định mộ phần của đồng đội khó trăm bề, thế nhưng khi nghĩ đến đồng đội mình lạnh lẽo nơi xứ người, lòng cô cứ quặn đau. Lần đi tìm hài cốt đợt này, cô cảm thấy vui lạ và tràn đầy hy vọng bởi sau gần chục lần khảo sát, cô và nhiều cán bộ đơn vị K92 đã khoanh vùng địa điểm an táng cho đồng đội năm xưa.
Dừng chân nơi chiến trường xưa – núi Sóc – Mẹt (Campuchia), cô miêu tả nơi chôn cất 2 đồng đội của mình là chị Phan Thị Mười và Lê Thị Hồng Hạnh – cựu TNXP Đại đội Mai Thanh Thế nằm chung một dãy với 2 mộ phần với bộ đội, dọc theo đường mòn cách chân núi hơn 250m. Được sự giúp đỡ của người dân địa phương, cô và các cán bộ đi cùng khoanh vùng một khoảng đất trống, cây cỏ mọc um tùm, có 4 ngôi mộ không rõ danh tính. Nhờ sự trợ giúp của cán bộ đơn vị K92, sau một buổi khai quật, dấu vết của đồng đội dần lộ thiên. Hai tay cô run run, miệng thì hô lớn tiếp tục đào khi phát hiện 3 lớp cao su, một nón tai bèo, tấm vải dù và một cái kính (khung bằng nhôm). Đến lúc này, cô òa lên khóc nức nở bởi những kỷ vật này là của chị Hạnh khi còn sống.
Hơn 40 năm trôi qua nhưng cô Khéo nhớ như in ngày đồng đội anh dũng hy sinh. Hôm ấy vào khoảng tháng 3-1971, khi đơn vị đang đóng quân tại núi Sóc – Mẹt, tỉnh Kampốt thì bị địch phát hiện. Chúng điều một sư đoàn đánh vào hang Bang – Hang. Lúc này, chị Hạnh làm nhiệm vụ đưa thư cho đồng đội, bị trúng đạn. Chị Hạnh chết trong tư thế tay đang cầm lựu đạn chống trả kẻ thù, đầu đội nón tai bèo, vai quàng một miếng vải dù. “Vì vậy khi phát hiện bộ hài cốt có đặc điểm trùng khớp về Hạnh, tôi quả quyết đó là hài cốt Hạnh” – cô Khéo bộc bạch. Cô Khéo ngậm ngùi kể: “Tháng 2-1967, tôi và Hạnh rủ nhau nộp đơn tình nguyện tham gia TNXP, địa bàn hoạt động trải dài từ rừng tràm Hà Tiên qua Campuchia và hẹn ngày đất nước giải phóng sẽ cùng nhau trở về thăm quê. Nhưng có ngờ đâu Hạnh mãi mãi ra đi ở tuổi 18 “.
Cô Lâm Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ, cũng nhớ như in lần tìm được hài cốt của đồng đội thân thương – Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Hồng Láng – cựu TNXP Đại đội Nguyễn Việt Khái 2 (tỉnh Cà Mau) vào năm 2012. Hành trình đi tìm kiếm người anh hùng này phải mất nhiều năm và phải gặp gỡ nhiều người dân cố cựu ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang). Mùa khô năm 1968, trong một lần chuyển hàng chiến lược từ Campuchia về miền Tây, khi băng qua kinh Vĩnh Tế, bị địch phục kích, Hồng Láng trúng đạn và bị giặc bắt. Chúng tra tấn chị rất dã man hòng ép chị khai ra nơi ở, kho chứa vũ khí đạn dược của ta. Chị Hồng Láng không hé răng, không cho địch băng bó vết thương, dũng cảm lao đầu vào tường hy sinh. Địch còn lôi xác chị khắp nơi để thị uy. Xác chị Láng được một người dân địa phương chôn cất. Nhờ sự chỉ dẫn của người dân, đoàn quy tập hài cốt của Hội Cựu TNXP thành phố đã mang hài cốt chị về chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau. Cô Tâm nhớ như in cảnh đoàn viên đầy nước mắt của mẹ con chị Láng. Cảnh người mẹ đã hơn 80 tuổi của chị Láng run run xúc động trước hài cốt của con gái và cứ rối rít cảm ơn, khiến lòng cô Tâm thêm quặn thắt, xúc động khó tả.
Từ năm 2000 đến nay, Ban Liên lạc (nay là Hội Cựu TNXP thành phố) phối hợp đội bốc hài cốt đơn vị K92, K93 Kiên Giang đã quy tập được 190 hài cốt của TNXP và bộ đội miền Đông, miền Tây.
Đoàn kết giúp nhau vươn lên…
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhiều cựu TNXP đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, năng động vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Như cô Đoàn Thị Hồng Khéo, phường Phước Thới, quận Ô Môn với mô hình nuôi nhím và heo rừng. Hiện nay, cô nuôi 20 con heo rừng và hàng chục con nhím, thu nhập bình quân mỗi năm trên 80 triệu đồng. Năm nay, cô dự định sẽ mở rộng trang trại và qui mô chăn nuôi và sẵn lòng hỗ trợ con giống cho những hội viên hoàn cảnh khó khăn.
Với sự động viên giúp đỡ của Hội Cựu TNXP, nhiều cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên có cuộc sống ổn định hơn. Điển hình như cô Doãn Thị Dân, cựu TNXP Đại đội C8, Đội N25 (Quảng Bình) hiện đang sống tại phường Trà An, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ). Sau khi đất nước giải phóng, cô theo chồng về Cần Thơ sinh sống, lập nghiệp. Không ruộng đất canh tác, gia đình sống bằng nghề làm thuê, cắt lúa, bốc vác để sinh sống. Đầu năm 2012, cô được Hội Cựu TNXP thành phố giới thiệu nhận một sổ tiết kiệm trị giá 3 triệu đồng. Từ số tiền này, cô Dân mua một con heo rừng giống, đến nay đã sinh sản 20 con. Đợt heo đầu tiên cô xuất bán và thu lợi được 15 triệu đồng. Cô Dân còn được Hội Cựu TNXP thành phố giúp đỡ làm thủ tục để được hưởng các chế độ chính sách và được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Cô Dân tâm sự: “Trong thời gian tham gia TNXP, tôi bị chấn thương ở đầu nên sức khỏe không tốt, phần vì tuổi già nên thường xuyên bị bệnh nên chi phí khám chữa bệnh cũng nhiều. Được xét cấp thẻ bảo hiểm y tế tôi vui mừng lắm!”.
Tính từ năm 1998 đến nay, Hội Cựu TNXP đã sửa chữa và xây dựng nhiều căn nhà tình đồng đội; đề nghị mua bảo hiểm y tế cho hội viên không có chế độ chính sách; tặng hàng chục sổ tiết kiệm cho nhiều cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Cũng nhờ sự hỗ trợ của Hội Cựu TNXP thành phố và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều mà ông Trần Vạn Thuận, ở khu vực 1, phường An Khánh, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) có nơi ở ổn định. Từng là TNXP thuộc Ban liên lạc đường dài – Tổng đội TNXP đóng tại Tây Ninh, nhiệm vụ của ông cũng là tải đạn, tải hàng hóa từ biên giới Campuchia về miền Nam Việt Nam hoặc đưa đón, bảo vệ cán bộ lãnh đạo. Do bị trúng bom B52 và sập hầm nên đôi chân ông ngày càng yếu không đi được. Từ sau năm 1989 hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng ông và các con phải thuê nhà trọ và làm thuê kiếm sống. Thấy hoàn cảnh ông Thuận khó khăn, năm 2010, Hội Cựu TNXP thành phố đề nghị thành phố cấp đất và hỗ trợ 40 triệu đồng, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều hỗ trợ 35 triệu đồng xây nhà cho ông. Ông Thuận tâm sự: “Có nhà cửa khang trang tôi mừng lắm. Tôi có chỗ tịnh dưỡng khi bệnh tật và cho các con tôi có một mái nhà đàng hoàng”.
Theo cô Lâm Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ, hiện nay Hội đang tiếp tục thu thập tư liệu để tìm kiếm cựu TNXP thuộc Tiểu đoàn TNXP hoạt động ở chiến trường Campuchia (thành lập năm 1979), lực lượng TNXP phục vụ ở Côn Đảo và Tổng đội TNXP làm kinh tế từ năm 1986 – 1990. Từ đó, tham mưu với các cấp, các ngành giải quyết chế độ chính sách cho các cựu TNXP. Đó cũng là cách ghi nhận công lao đóng góp và thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.