“Sự trưởng thành trong tư tưởng và hành động” là bài học vô giá từ hoạt động Đoàn
15:49 08/10/2013
1639
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh vừa xây dựng dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức sinh hoạt Đoàn giai đoạn 2013 – 2017” và tổ chức Hội thảo, tọa đàm tại các huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và ban hành, triển khai, thực hiện Đề án đến các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh.
Chương trình tọa đàm “Đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức sinh hoạt Đoàn” tại huyện Đoàn Hương Sơn |
Tham dự Hội thảo tại các đơn vị, hầu hết các đồng chí cán bộ, ĐVTN tham dự đã bày tỏ ý kiến bằng các hình thức phát biểu trực tiếp hoặc gửi ý kiến về Ban tổ chức Hội thảo.
Đa số ý kiến của cán bộ Đoàn khối địa bàn dân cư cho rằng thực trạng hiện nay, ở các chi Đoàn để duy trì thường xuyên sinh hoạt theo định kỳ có chất lượng, thiết thực là rất khó. Điều đó do các nguyên nhân chính như: Về khách quan, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận thanh niên có tư tưởng thực dụng, sống thiếu hoài bão, thiếu ý chí vươn lên, thụ động, ít tham gia các hoạt động tập thể; do yêu cầu phát triển của kinh tế – xã hội, số thanh niên đi làm ăn xa quê và số đoàn viên, thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT thi đậu các trường và theo học ngoại tỉnh ngày càng nhiều; số thanh niên ở lại địa phương chủ yếu là thanh niên yếu thế, hạn chế về năng lực học vấn, thiếu việc làm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, …. Về nguyên nhân chủ quan, đội ngũ cán bộ Đoàn nhất là ở cấp chi Đoàn, Đoàn cơ sở hạn chế về kỹ năng công tác thanh niên; thiếu chủ động, mạnh dạn trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về các hoạt động của tuổi trẻ; chương trình hoạt động, sinh hoạt Đoàn còn nặng tính chỉ đạo, khô khan, ít đổi mới hình thức, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, tâm lý của tuổi trẻ trong thời kỳ mới; chưa gắn thiết thực, hiệu quả lợi ích của tổ chức Đoàn với lợi ích, quyền lợi chính đáng của thanh niên, cụ thể là công tác đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp mặc dù đã được triển khai rộng khắp, đẩy mạnh thực hiện tuy nhiên hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về vấn đề chế độ phụ cấp cho cán bộ Đoàn, một số đồng chí cán bộ Đoàn cấp cơ sở đề xuất Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn nên có sự tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các địa phương có cơ chế, chính sách, tăng cường hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ cán bộ Đoàn, nhất là đối với các đồng chí Phó Bí thư Đoàn cấp xã, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn cấp xã, cũng như đội ngũ Bí thư, Phó Bí thư cấp Chi Đoàn. Tuy nhiên, một số đồng chí cán bộ Đoàn đã phát biểu, bày tỏ niềm vui, vinh dự được tham gia hoạt động trong tổ chức Đoàn, trong bầu không khí của tuổi trẻ và quá trình hoạt động đã “Thu nhập” được rất nhiều, đó là: Sự trưởng thành về tư tưởng, hành động của bản thân; được cống hiến, được bày tỏ chính kiến của mình qua các diễn đàn; được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được tiếp xúc với nhiều cơ hội tốt để lập thân, lập nghiệp,… Một trong những ý kiến phát biểu làm tôi khá bất ngờ và ấn tượng nhất, đó là đồng chí Nguyễn Thị Vân nữ Bí thư chi Đoàn thôn Hòa Hợp, xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà. Đồng chí bày tỏ rằng “Tôi thấy thực tế chế độ phụ cấp bằng tiền đối với đội ngũ cán bộ Đoàn còn nhiều bất cập nhưng là cán bộ Đoàn, tôi cảm thấy vinh dự, thấy vui. Tôi đã nhận được những bài học vô giá từ Đoàn để trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn trong cuộc sống; và tôi tin rằng, rồi đây, trong tương lai có thể tôi không được trưởng thành ở một chức trách, vị trí nào trong hệ thống chính trị nhưng tôi đủ bản lĩnh, đủ tự tin để quyết định mọi vấn đề của bản thân một cách đúng đắn đặt trong môi trường chung là xã hội”.
Tham gia phát biểu ý kiến tại chương trình Hội thảo, nhiều đồng chí đại diện cấp ủy, chính quyền các cấp cho rằng, hội thảo là việc làm có ý nghĩa thiết thực, qua đây thu nhận được nhiều ý kiến có chất lượng, khả quan; đồng thời đây cũng là một trong những cơ hội để phát hiện nguồn cán bộ trẻ có năng lực đưa quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận cho Đảng, chính quyền địa phương, cơ sở.