Nhìn lại dự án đưa trí thức trẻ về cơ sở
08:53 12/11/2015
2433
Công tác giáo dục Đến nay, có thể khẳng định việc tăng cường cán bộ trẻ về các xã đã đạt được những kết quả tốt, giúp xã nghèo trong công tác lãnh đạo, quản lý thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Trên cương vị được phân công đội ngũ trí thức trẻ đã luôn đồng hành cùng bà con nông dân trong phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo.
Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Sở Nội vụ Bắc Kạn đã tuyển 60 chỉ tiêu cho huyện Ba Bể và 40 chỉ tiêu cho huyện Pác Nặm. Sau khi tuyển dụng, Sở nội vụ đã giao cho UBND huyện căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương để phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ trẻ phù hợp với chuyên môn, lĩnh vực, đúng quy định. UBND huyện đã chỉ đạo các xã tạo điều kiện thuận lợi nhất, giúp đỡ cán bộ 30a thực hiện tốt nhiệm vụ được giao bố trí nơi làm việc, trang thiết bị để họ có thể phát huy hết sức trẻ, năng lực bản thân trong công việc. Nhiều cán bộ trí thức trẻ đã mạnh dạn đề xuất kế hoạch, giải pháp cụ thể cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao năng lực cán bộ, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và thi hành công vụ phù hợp với công tác chuyên môn, đưa ra các phương châm, giải pháp đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội.
Đội viên dự án 600: Lý Thị Huyền, Phó chủ tịch UBND xã Cao Tân cùng Ban chỉ đạo chương trình “Chung tay vì cộng đồng” trao bò cho hộ nghèo |
Trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp, cán bộ trí thức trẻ 30a tăng cường đã giúp địa phương trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với dịch vụ và thị trường, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, trồng rừng, áp dụng tiếp bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao năng suất, sản lượng lương thực.
Hiện nay, tại mỗi xã của huyện Ba Bể và huyện Pác Nặm có từ 4 đến 5 cán bộ 30a, hầu hết cán bộ trẻ 30a tiếp cận nhanh với công việc, chịu khó học hỏi, tích cực bám cơ sở, gần dân nên rất thuận lợi trong thực thi công vụ. Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, chương trình thực hiện theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững được triển khai trên địa bàn hai huyện Ba Bể và Pác Nặm đã có sự tác động rất lớn đến đời sống của người dân đặc biệt là các hộ nghèo. Sau hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết, diện mạo nông thôn tại 2 địa phương đã có nhiều đổi mới. Đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện đã phát huy được năng lực để giúp cơ sở thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ba Bể đã giảm từ 48,63% năm 2009 xuống còn 18,04% năm 2014, huyện Pác Nặm giảm từ 52,08% xuống còn 28,7%.
Bên cạnh việc đánh giá năng lực của các đội viên dự án 600 của chính quyền địa phương theo nội dung đánh giá cán bộ, công chức hàng năm. Việc đánh giá, phân loại kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội viên Dự án được thực hiện theo các tiêu chí cụ thể của dự án với những thang điểm chuẩn, đồng thời việc đánh giá đội viên chỉ rõ được ưu điểm, nhược điểm và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Văn Dong, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Đến nay đội ngũ trí thức trẻ trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, đồng thời phát huy tốt năng lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội cho địa phương. Qua đánh giá phân loại kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội viên dự án 600 hàng năm có 80% hoàn thành tốt nhiệm vụ, thời gian tới huyện Ba Bể tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để đội ngũ trí thức trẻ.
Cần có chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với trí thức trẻ
Đến nay, đội ngũ trí thức trẻ thực hiện chương trình 30a (Tổ 30a) tại hai huyện Ba Bể và Pác Nặm đã có thời gian công tác tại xã là gần 7 năm và đội ngũ phó chủ tịch theo dự án 600 là 5 năm. Qua thực tế ở các địa phương về điều kiện cơ sở vật chất, trụ sở làm việc tại các xã đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc, tuy nhiên do vẫn còn nằm trong diện huyện nghèo, mức đầu tư còn có hạn nhiều trụ sở xã chưa có nhà công vụ cho cán bộ, thậm chí có nhiều các phó chủ tịch dự án 600 đang còn phải ở tại phòng bảo vệ của trụ sở UBND xã hoặc đi thuê trọ. Bên cạnh đó, các chính sách đãi ngộ cũng chưa được thoả đáng, đa số ý kiến của các trí thức trẻ đang công tác tại hai huyện Ba Bể và Pác Nặm đều cho rằng, làm cán bộ xã không hề đơn giản, làm Phó chủ tịch xã lại càng khó hơn, đặc biệt là với những người chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, trong khi đó cấp xã lại là cấp gần nhất, trực tiếp làm việc với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thưc tế cuộc sống, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận, phản ánh những ý kiến của nhân dân.
Đồng chí Lường Văn Quận, Bí thư đảng uỷ xã Cổ Linh (Pác Nặm) nhận xét: Những năm qua, cùng với trí thức trẻ của dự án 600 phó chủ tịch, đội ngũ cán bộ 30a (tổ 30a) của xã đã có nhiều đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ địa phương trong công tác xoá đói giảm nghèo theo chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ như tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, tổ chức các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.
Nông Thị Uyến, Phó chủ tịch UBND xã Yến Dương (Ba Bể) kiểm tra mô hình trồng cây quýt của bà con nông dân trên địa bàn xã |
Tuy nhiên, đội ngũ trí thức trẻ theo dự án 600 về làm phó chủ tịch xã và 100 tri thức cán bộ trẻ tham gia tổ công tác tại các xã nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn huyện Ba Bể và Pác Nặm đang có chung một tâm trạng lo lắng về vị trí công tác, lo sẽ bị cắt hợp đồng sau khi hết thời gian thực hiện dự án. Cụ thể, căn cứ vào Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg, ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a, thời hạn luân chuyển, tăng cường cán bộ từ 3 đến 5 năm, tuổi đời khi tham gia nhiệm vụ không quá 30 tuổi…
Căn cứ vào Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg và các Quyết định của tỉnh đã ban hành. Ngày 12/10/2015, UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 4093/UBND-NC về việc thực hiện một số nội dung về chế độ, quy hoạch, bố trí trí thức trẻ tăng cường cho các huyện nghèo của tỉnh. Theo đó, các huyện phải rà soát, kiểm tra lại hợp đồng làm việc đã ký với số trí thức trẻ đang tham gia tổ công tác tại các xã theo đề án của tỉnh nếu các địa phương còn tiếp tục hợp đồng với trí thức trẻ tình nguyện đã hoàn thành nhiệm vụ và có nguyện vọng tiếp tục tham gia tổ công tác tại xã phải đáp ứng các điều kiện như tuổi đời không quá 30 tuổi, tính đến thời điểm tiếp tục ký hợp đồng theo quy định của Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg, thời hạn hợp đồng không quá 5 năm tính đến năm 2020 (thời điểm kết thúc chương trình theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), đồng thời tiếp tục ký hợp đồng tuyển dụng mới với các yêu cầu về trình độ, độ tuổi như trên. Đối với dự án 600 phó chủ tịch xã tiếp tục việc thực hiện việc quy hoạch, bố trí sử dụng đội viên dự án theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Như vậy sau gần 7 năm công tác hầu hết các trí thức trẻ tại hai huyện Ba Bể và Pác Nặm đều đã ngoài 30 tuổi, nếu căn cứ theo các văn bản trên thì chắc chắn các trí thức trẻ sẽ phải chấm dứt hợp đồng. Qua thực tế cho thấy, đến nay hầu hết số trí thức trẻ này đã được rèn luyện tại cơ sở, có kinh nghiệm trong công việc đồng thời được sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, địa phương đội ngũ tri thức trẻ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo ở địa phương.
Đồng chí Quách Đăng Hải, Phó phòng phụ trách công tác thanh niên Sở Nội vụ cho biết: Cũng như nhiều các các huyện nghèo khác trên cả nước, số trí thức trẻ của hai huyện Ba Bể và Pác Nặm đang gặp khó khăn trước nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng, trên cơ sở căn cứ vào các văn bản đã quy định, Sở cũng đã tham mưu với tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ xem xét có hướng giải quyết đối với đội ngũ trí thức trẻ đang công tác tại các xã hiện nay.
Có thể nói, việc điều động và tăng cường thu hút cán bộ, trí thức trẻ về công tác tại xã, vùng đặc biệt khó khăn của hai huyện nghèo Ba Bể và Pác Nặm đã góp phần từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Đây là một trong những yếu tố quyết định sự thành công công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương. Để cán bộ, trí thức trẻ tiếp tục yên tâm công tác cần có thêm chính sách hỗ trợ và chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút, khuyến khích trí thức trẻ về tham gia tổ công tác tại các xã, vùng đặc biệt khó khăn ở các huyện nghèo.