Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực xã hội của ĐVTN khi tham gia mạng xã hội
22:12 13/06/2018
368
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Sáng 13/6, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học “Truyền thông trên mạng xã hội” nhằm trao đổi, chia sẻ và cung cấp kiến thức xử lý thông tin trên mạng xã hội cho đoàn viên, thanh niên và các nhà báo trẻ trong thời đại công nghệ số.
Đồng chí Trần Hữu – Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương cho rằng, cần có giải pháp để nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực xã hội cho đoàn viên, thanh niên trên mạng xã hội |
Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội những năm qua đã đưa báo chí chính thống vào cuộc đua khốc liệt trong việc cạnh tranh thông tin cũng như tốc độ đưa tin. Với nguồn thông tin đa dạng, mạng xã hội đã trở thành nguồn cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là nơi phát tán thông tin không chính xác, sai sự thật, thông tin vô bổ và thiếu kiểm chứng… Điều đáng nói là một số cơ quan báo chí và nhà báo đang bị cuốn vào cuộc đua này. Hiện tượng quay cóp, cắt dán, phát tán thông tin xấu đang gia tăng một cách đáng lo ngại.
Nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết, chúng ta đang sống trong một thế giới mà đầy rẫy các tin giả (fake news) được lan truyền trên Internet. Không chỉ báo chí Việt Nam mà nhiều báo lớn của nước ngoài cũng mắc bẫy tin giả. Nhiều nhà báo vô tình chia sẻ các tin giả hoặc thông tin chưa rõ nguồn gốc, góp phần phát tán những thông tin sai lệch hoặc chưa được kiểm chứng.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, để đối phó với tin giả, các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo đều phải hành động chứ không thể ngồi chờ cơ quan chức năng ra luật hay chờ người dùng mạng xã hội trở nên thông minh hơn. Sự tràn lan của tin giả cho thấy báo chí cần phát kết nối với độc giả, khán thính giả hiệu quả hơn. Các tòa soạn cần đầu tư nhiều hơn vào nội dung chất lượng cao, cần có những hành động để đối phó với những nội dung kích động thù hận, phân biệt chủng tộc, hoang tin, thông tin bóp méo sự thật gât phương hại cho cá nhân, tổ chức và quốc gia. Các cơ quan báo chí cũng có trách nhiệm trong việc nâng cao nhận thức cho công chúng về tin giả.
Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ tại buổi tọa đàm |
Đối với người trẻ, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, chúng ta không nên bày tỏ thái độ hoặc chia sẻ thông tin gì khi chúng ta chưa đọc kỹ và hiểu rõ vấn đề. Mỗi ĐVTN hãy “like, share” có trách nhiệm.
Theo đồng chí Trần Hữu – Ủy viên BTV, Bí thư Đoàn khối cơ quan Trung ương, trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương luôn chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên trẻ, đoàn viên thanh niên; triển khai các giải pháp phòng, chống thông tin xấu, độc hại tác động đến tư tưởng cũng như nâng cao năng lực, nhận thức, ứng xử khi tham gia mạng xã hội của đoàn viên, thanh niên… Đoàn Khối đã phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” nhằm lan tỏa những thông tin tốt đẹp, lấn át thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Đội ngũ nhà báo trẻ trong Khối luôn giữ vững bản lĩnh, thường xuyên đổi mới, cập nhật xu hướng báo chí trong thời đại truyền thông số…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các hoạt động này vẫn còn điểm yếu như: việc dự báo và nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng thanh niên có một số thời điểm chưa kịp thời; việc chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm cực đoan, lệch lạc, sai trái trên mạng xã hội của đoàn viên, thanh niên còn hạn chế; việc phát huy tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính chiến đấu của đội ngũ nhà báo trẻ trong khối đôi khi chưa đạt hiệu quả mong muốn…
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ thực trạng, ảnh hưởng của truyền thông mạng xã hội đến môi trường báo chí Việt Nam; giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực xã hội của đoàn viên, thanh niên trên mạng xã hội; tăng cường sức chiến đấu của tổ chức Đoàn, sức đề kháng của mỗi đoàn viên, thanh niên trước các thông tin, quan điểm cực đoan, lệch lạc, sai trái trên mạng xã hội; đề xuất các giải pháp hướng đến một nền truyền thông xã hội lành mạnh,…