Khơi dậy khát vọng cống hiến trong mỗi bạn trẻ
14:59 11/05/2021
1233
Công tác giáo dục Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, khơi dậy trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên (HSSV) tình yêu, niềm tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, cộng đồng là mục tiêu của công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống mà ngành Giáo dục đặt ra.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và anh Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn trò chuyện với bạn trẻ tham gia chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020 – Ảnh: Lâm Đăng Hải
Dạy, học phải gắn với thực tiễn
Thưa bà, sau 5 năm triển khai đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” (Đề án 1501 của Thủ tướng) đã đạt được những kết quả nổi bật nào?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Có thể nói, Đề án 1501 sau 5 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhận thức về giá trị văn hoá truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng của thanh thiếu nhi được cải thiện rõ rệt, thông qua các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động Đoàn, Đội trong và ngoài nhà trường. Xuất hiện nhiều phong trào thi đua, nhiều tấm gương tiêu biểu về dạy tốt, học tốt trong toàn ngành, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong HSSV tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Ý thức trách nhiệm của thanh thiếu nhi với bản thân, gia đình, trường lớp được nâng lên thông qua việc hưởng ứng phong trào: xây dựng trường học an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường… Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội đã được ngành Giáo dục và T.Ư Đoàn chủ động ký kết và quyết tâm cải thiện thông qua hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.
Những kết quả đó đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HSSV. Rất nhiều tấm gương thanh thiếu nhi, HSSV nghèo vượt khó, học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, sống đẹp, giúp bạn đến trường… tạo sự lan tỏa tốt trong xã hội.
Có ý kiến cho rằng, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống làm sao chạm được vào trái tim của mỗi bạn trẻ là việc làm không hề dễ dàng. Quan điểm của bà về vấn đề này?
Tôi nghĩ, cùng với việc tích cực đổi mới các hoạt động Đoàn, Đội trong nhà trường và việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập, đổi mới, sáng tạo trong công tác phát huy thanh niên, khơi dậy khát vọng và sự cống hiến của tuổi trẻ cho đất nước… là những việc làm thực sự cần thiết trong lúc này.
Người đứng đầu các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo phải luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống phù hợp, gần gũi, với vai trò “làm bạn” với HSSV nhiều hơn nữa. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục ở các cấp học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chú trọng giáo dục để hình thành các kỹ năng thiết yếu.
“Nếu như tính nêu gương của gia đình, ông bà, cha mẹ và những thành viên trong cộng đồng xã hội được phát huy tối đa, tích cực nhất thì đây chính là tấm gương phản ánh, soi rọi và có sự ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách, giá trị đạo đức, lối sống của giới trẻ và HSSV”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh
Giới trẻ, HSSV có tâm lý thích tìm tòi, khám phá, sáng tạo. Dạy đạo đức không chỉ qua các môn học mà cần được thực hiện lồng ghép, tích hợp gắn liền với thực tiễn. Đó là những điều mà tôi còn băn khoăn, mong muốn tiếp tục được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Giáo dục thế hệ trẻ trên nền tảng công nghệ số
Công nghệ 4.0, mạng xã hội và rất nhiều kênh thông tin khác đang tác động rất lớn đến tâm sinh lý, thói quen, lối sống, văn hóa ứng xử… của HSSV và giới trẻ nói chung. Vậy, thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ đổi mới thế nào để giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức, tri thức, đáp ứng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới?
Bộ GD&ĐT đang chủ trì cùng T.Ư Đoàn, các bộ ngành xây dựng Đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống trong giai đoạn tiếp theo trình Thủ tướng. Nội dung nói trên cũng được Ban soạn thảo rất quan tâm đề xuất, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ trên nền tảng công nghệ số.
Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục thanh thiếu nhi trên mạng xã hội. Khuyến khích cán bộ, nhà giáo, HSSV xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.
Trong giai đoạn tới của Đề án, bà mong muốn, kỳ vọng gì trong việc xây dựng một thế hệ trẻ mới xứng đáng là lực lượng tiên phong tiến tới hiện thực hóa khát vọng hùng cường vào năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra?
Giai đoạn tới đặt ra nhiều thách thức. Điều thuận lợi trong Đề án giai đoạn tới là những quan điểm và sự chỉ đạo định hướng trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định: “…tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên…”.
Ngoài một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính “truyền thống”, phải có nhiệm vụ mới, phù hợp với giai đoạn mới, phù hợp với tinh thần và chủ trương của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh, đề cao khơi dậy trong thế hệ trẻ, HSSV tinh thần khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, biết nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão; tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế.
Bộ GD&ĐT mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với T.Ư Đoàn, cũng như các bộ, ngành và các địa phương giúp công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn trong giai đoạn mới./.
theo Tiền Phong