Khâm phục chàng SV nghèo đến trường trên chiếc xe lăn
08:24 31/01/2012
1975
Công tác giáo dục Hình ảnh chàng sinh viên có gương mặt điển trai, cặp mắt sáng, được các bạn đẩy đến lớp học trên chiếc xe lăn đã trở thành quen thuộc với thầy cô và SV Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định). Đó là Nguyễn Tùng Quân, SV năm thứ nhất, lớp Sư phạm Tin của trường.
Nguyễn Tùng Quân đang miệt mài ôn thi cuối học kỳ. |
Tuổi thơ thiệt thòi
Nguyễn Tùng Quân sinh ra trong một gia đình nghèo ở xóm Hưng Hòa, thôn Phò An, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn (Bình Định), là con trai của anh Nguyễn Thanh Sĩ (49 tuổi) và chị Lý Thị Gái (43 tuổi).
Lúc vừa chào đời, Quân là một đứa bé kháu khỉnh, bụ bẩm như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng niềm vui chưa dứt, một trận sốt thập tử nhất sinh hồi Quân mới hơn 1 tuổi đã khiến đôi chân em bị liệt. Các cơ chân, tay phát triển không bình thường, mềm nhũn như bún, chân không đứng được, tay không thể cầm được cái nặng. Mọi sinh hoạt phải nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ, đi di chuyển em phải ngồi xe lăn.
Đến tuổi đi học, nhìn đám bạn trong xóm đi học tung tăng chạy nhảy, Quân lại thấy tủi thân đòi bố cho đi học. Thương con, vợ chồng anh Sĩ ngày ngày hai buổi thay nhau đưa con đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch cũ.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân lại bị tàn tật nhưng em luôn nỗ lực học tập. Từ lớp 4 đến lớp 12 em luôn là học sinh tiên tiến trong đó có năm em đạt học sinh giỏi.
Nghĩ lại những năm học cấp 1 đến cấp 3, Quân chia sẻ: “Lúc đó nhìn bạn bè chạy nhảy vui đùa, trong em lúc đó chỉ có sự tự ti, mặc cảm nhưng chính sự gần gũi của các bạn thầy cô càng tiếp thêm cho em nghị lực tiếp tục đến trường”.
Tình cảm của gia đình, thầy cô, bạn bè và khát vọng đến trường của Quân đủ cho em vững tin bước tiếp đến giảng đường.
Từ xe lăn lên giường và từ giường cũng là một việc khó khăn với Quân. |
Xe lăn đến giảng đường
Học xong lớp 12, trong khi các bạn cùng lớp đang chuẩn bị hồ sơ thi tuyển vào trường này, trường kia thì Quân lại đang lo lắng, đắn đo có nên tiếp tục đến trường nữa hay không.
“Lúc đó em nghĩ cha mẹ mình đã nghèo khổ, công việc chẳng ổn định. Các em còn nhỏ, cô em gái út 5 tuổi vừa bị bệnh tim bẩm sinh, vừa bị dị tật liệt hai chân. Nếu em đi học cha mẹ và các em sẽ khổ, nhiều lúc em muốn từ bỏ ước mơ vào đại học” – Quân chia sẻ.
Trong lúc bế tắc Quân tình cờ đọc được ở đâu đó câu nói “Không bao giờ thất bại, tất cả chỉ là thử thách”. Có lẽ, đó chính động lực để chàng học trò nghèo khuyết tật vượt qua rào cản của sự tự ti, mặc cảm để quyết định thi vào đại học.
Trong kì thi tuyển sinh đại học năm 2011, Quân đã trúng tuyển vào ngành Sư phạm Tin, Trường ĐH Quy Nhơn. Lần đầu sống xa nhà, ở môi trường mới phải tự lập với nhiều khó khăn nhưng Quân đã tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống và học tập.
Cô Lê Thị Thu Nga, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, chủ nhiệm lớp Sư phạm Tincho biết: “Hoàn cảnh của Quân rất tội nghiệp, gia đình nghèo khổ, bản thân lại tàn tật nhưng nghị lực của em khiến thầy cô trong trường, trong khoa và các bạn sinh viên trân trọng. Dù đi học bằng xe lăn, được các bạn đẩy đi nhưng em có ý thức học tập rất tốt chưa nghĩ học hôm nào. Ngay cả những buổi thực hành Tin phải học trên tầng 3 em vẫn cố gắng đi học. Tuy nhiên, để học trên đó phải 4 sinh viên nam khỏe khiêng em lên”.
Cô Nga cho biết thêm: “Do hoàn cảnh gia đình Quân nghèo nên thầy cô trong khoa đang xét để đóng góp ngày lương để hỗ trợ cho em học tập. Mới đây em đã được nhận học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
Vượt qua những khó khăn, Quân luôn tự tin trong cuộc sống.
Chia sẻ về ước mơ, Quân cho biết: “Gia đình em nghèo khổ, bản thân em không được bình thường như các bạn nên em rất tham lam. Em muốn nhiều lắm nhưng em biết những thứ mình ước quá xa vời. Với khả năng sức khỏe của mình, em đã chọn học ngành Tin cho phù hợp”.
Nói về tương lai Tùng Quân ngập ngừng: “Thú thực em chẳng dám mơ ước gì cao sáng, hiện tại em sẽ cố gắng học tốt sau này ra trường có một nơi nào nhận em vào làm, có tiền lương để ba mẹ khỏi lo cho mình, có thể giúp cho em gái út bị tim bẩm sinh được chữa trị”.
Được biết, gia đình Quân thuộc diện hộ nghèo của thôn, ba mẹ làm nông với 1,5 sào ruộng. Đến mùa cà phê, bố hoặc mẹ em phải vào tận Gia Lai, Kon Tum để hái cà phê thuê lấy tiền nuôi các anh em ăn học.
Quân là con đầu, kế tiếp là em gái đang học lớp 9, sau nữa có em đang học lớp 1 và em gái út 5 tuổi bị tim bẩm sinh và tàn tật liệt cả hai chân. Hàng tháng Quân và em gái út được nhận hỗ trợ tiền trợ cấp người tàn tật là 360.000 đồng/tháng.
Chia tay chàng sinh viên giàu nghị lực, tôi chợt nghĩ lại điều em tâm đắc “Chưa bao giờ thất bại, tất cả chỉ là thử thách”. Cầu cho Quân sẽ vượt qua những rào cản của sự tự ti, mặc cảm để vươn đến một tương lai tươi sáng mà em đang ấp ủ.