Hiệu quả nhân đôi từ Đề án trí thức trẻ Hà Giang
11:24 13/11/2015
1559
Công tác giáo dục Đầu năm 2014, hơn 200 trí thức trẻ là người địa phương đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng được tỉnh Hà Giang tuyển dụng về làm cán bộ hợp đồng tại 140 xã. Việc làm này không những tạo cơ hội cho con em địa phương được làm việc, cống hiến cho quê hương, mà còn tạo nguồn cán bộ kế cận, nâng cao năng lực triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội cho các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Đội viên Lệnh Anh Tùng hướng dẫn nông dân Hà Giang trồng ngô đúng kỹ thuật |
Từ thực tế trên, đầu năm 2014, tỉnh Hà Giang triển khai “Đề án hợp đồng trí thức trẻ về công tác tại xã khó khăn, đặc biệt khó khăn”. Hơn 200 trí thức trẻ, trong đó có 80% là con em đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Nùng được xét tuyển về làm cán bộ hợp đồng tại 140 xã khó khăn, đặc biệt khó khăn của 10 huyện trong tỉnh.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Khoa học Thái Nguyên hệ chính quy, Hùng Thị Thúy, người dân tộc Mông được tuyển dụng làm cán bộ hợp đồng tại xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ. Thúy chia sẻ: “Nhận giấy báo tuyển dụng, em hạnh phúc và bất ngờ vì mới ra trường đã được đi làm, lại công tác ngay trên quê hương mình. Được phân công làm cán bộ văn phòng HĐND, UBND xã, công việc nhiều nhưng em luôn cố gắng bởi đây là môi trường tốt cho em rèn luyện kinh nghiệm thực tế, trưởng thành”.
Làm việc tại các xã, đường sá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, lương hợp đồng thấp nhưng trí thức trẻ vẫn gắn bó với công việc, đó là thành công đầu tiên của Đề án. Thành công đó bắt nguồn từ việc tỉnh trao cơ hội, môi trường làm việc cho các em cống hiến, xây dựng quê hương.
Đến xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, chúng tôi gặp trí thức trẻ Lệnh Anh Tùng đang cùng bà con gieo trồng ngô chính vụ trên sườn núi. Tùng tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên, được phân công làm cán bộ văn phòng kiêm luôn mảng xây dựng nông thôn mới nên việc xuống hướng dẫn người dân sản xuất là việc làm thường xuyên. “Nhờ cán bộ trẻ, mình mới biết việc trồng ngô không chỉ là tra hạt giống xuống đất mà còn phải bón phân, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây ngô mới khỏe, cho bắp to, hạt chắc” – chị Cư Thị Mỷ, thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ chia sẻ khi được hỏi về trí thức trẻ Lệnh Anh Tùng.
Không chỉ hướng dẫn bà con sản xuất, chăn nuôi, Tùng còn tham mưu, góp ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp để xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, Lệnh Anh Tùng vừa được huyện Quản Bạ tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ năm 2014.
Huyện Xín Mần có 24 trí thức trẻ về làm việc tại 18 xã khó khăn. Trong điều kiện trình độ cán bộ cấp xã không đồng đêu, đội ngũ trí thức trẻ được đào tạo bài bản như nguồn sinh lực mới giúp các xã thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Dương Văn Thành cho biết: “Để trí thức trẻ phát huy được năng lực, sở trường, huyện chỉ đạo các xã tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí công việc hợp lý. Bên cạnh đó, huyện cũng đưa trí thức trẻ ra các ban, ngành chức năng của huyện học việc, nâng cao kinh nghiệm trong thời gian từ hai đến ba tháng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, để vừa uốn nắn, rèn luyện vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ trí thức trẻ”. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên năm 2014, qua bình xét, 100% số trí thức trẻ tại huyện Xín Mần được bình xét hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 3 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo đánh giá của 10 huyện, đội ngũ trí thức trẻ về xã đều sớm nắm bắt được công việc, không ngại khó bám nắm cơ sở, thường xuyên có ý kiến đề xuất, tham mưu cho chính quyền xã triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội. Ở nhiều huyện, trí thức trẻ phát huy được năng lực, sở trường nên được huyện trưng tập về phòng chuyên môn của huyện. Riêng huyện Yên Minh trưng tập ba trí thức trẻ về huyện làm công tác xây dựng nông thôn mới. “Xác định nhóm ngành tuyển dụng cần thiết với yêu cầu công việc ở cấp xã; phân công, bố trí công việc theo đúng chuyên ngành đào tạo; chọn người địa phương nên dễ hòa nhập với phong tục, tập quán; có sự quan tâm của chính quyền địa phương… Đó là những yếu tố căn bản để trí thức trẻ nhanh chóng bắt nhịp công việc, phát huy năng lực phục vụ nhiệm vụ ở các xã” -Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang Nguyễn Thị Thu Chiên nhận định.
Hiện tại, dù đạt được nhiều kết quả nhưng đội ngũ trí thức trẻ vẫn có những điểm yếu như thiếu kinh nghiệm thực tế; nhiều người chưa thật sự yên tâm công tác do đồng lương hợp đồng quá thấp so với nhu cầu thực tế ở các xã vùng cao; chính quyền một số xã chưa quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho trí thức trẻ hoạt động… Tỉnh Hà Giang sẽ đánh giá sơ kết một năm thực hiện Đề án để giải quyết những vấn đề khó khăn nêu trên, tạo điều kiện cho trí thức trẻ hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động.