Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005

Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005

00:35 31/07/2015
    2306

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Sáng ngày 30/7, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005. Đồng chí Nguyễn Long Hải – Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có các nhà khoa học, nghà nghiên cứu; cùng đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Đại học Luật Hà Nội; …

h
Đ/c Nguyễn Long Hải – Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Long Hải, qua  9 năm thi hành Luật Thanh niên, đã bộc lộ những bất cập, thiếu tính khả thi về quyền và nghĩa vụ thanh niên, các hành vi bị nghiêm cấm… Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định mới về thanh niên, về quyền và nghĩa vụ công dân; đồng thời nhiều quy định của pháp luật về lao động, giáo dục, nghĩa vụ quân sự, hình sự có liên quan nhiều đến thanh niên đã sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Luật Thanh niên cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những bất cập đang hạn chế đến hiệu quả thi hành Luật. Việc sửa đổi này cũng nhằm thể chế hóa Hiến pháp 2013 và bổ sung, điều chỉnh các quy định để phù hợp, thống nhất với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng tập trung làm rõ các vấn đề về quan điểm về hướng tiếp cận sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên; bố cục của Luật Thanh niên sửa đổi; độ tuổi của thanh niên; quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quản lý nhà nước về công tác thanh niên; cơ chế đảm bảo thi hành Luật Thanh niên; …

Về độ tuổi của thanh niên, TS Đỗ Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng quy định độ tuổi thanh niên từ 16-30 tuổi là phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển về tâm sinh lý, xã hội, văn hóa của các nhóm tuổi thanh niên. Theo TS Hà, việc xem xét phạm trù thanh niên không đơn thuần dừng lại ở các yếu tố độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý mà quan trọng là phải xét thanh niên ở tính chất xã hội từ mối quan hệ xã hội mà thanh niên làm chủ thể, chịu sự tác động và chi phối.

Cũng quan tâm đến quy định về độ tuổi của thanh niên, chuyên gia tư vấn về giới, Thạc sỹ Bùi Thị Phương nêu quan điểm, dù ở bất cứ quốc gia nào, việc quy định tuổi thanh niên đều phải dựa trên mục đích phát triển bền vững và lâu dài. Có thể thay đổi ranh giới về độ tuổi nếu thay đổi đó tạo ra những chuyển biến tích cực cho toàn xã hội. Tuy nhiên, nếu thay đổi không lường trước được những hệ quả sẽ tạo ra gánh nặng xã hội về nhiều mặt, tác động trực tiếp đến thanh niên.

h
Đ/c Lê Thanh Liêm – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu ý kiến

Bàn về ý kiến độ tuổi thanh niên, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm cho rằng, Luật Thanh niên 2005 chỉ nêu độ tuổi từ 16 – 18 tuổi, vậy ở dự thảo lần này nên chăng cần đưa ra các khoảng độ tuổi như: 20 – 25, 25 – 30.

Lý giải lý do này, đồng chí Liêm cho rằng mỗi độ tuổi có một mong muốn khác nhau do đó luật cần có những quy định mang tính chất cụ thể để các ngành tham gia thi hành luật mới thiết thực, cụ thể.

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng quyền về kinh tế- xã hội mà Luật Thanh niên hiện hành chưa thể chế, cần được bổ sung trong dự án Luật Thanh niên đang soạn thảo. Đó là quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường, quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, nơi làm việc… GS Trần Ngọc Đường cho rằng, các quyền và nghĩa vụ này là quyền kinh tế – xã hội có ý nghĩa thiết thực với mọi người, đặc biệt là thanh niên, vì vậy cần phải được thể chế.

Cũng tại Hội thảo, TS Hoàng Xuân Châu – Đại học Luật Hà Nội đã giới thiệu với Hội thảo về một số quốc gia trên thế giới có Luật Thanh niên với mục đích luôn được xác định và quy định rõ ngay trong những điều luật đầu tiên, làm cơ sở cho việc xây dựng và vận hành toàn bộ hệ thống chính sách cũng như cơ chế tổ chức thực hiện công tác thanh niên trong thực tiễn.

n
TS Hoàng Xuân Châu – Đại học Luật Hà Nội giới thiệu với Hội thảo về một số quốc gia trên thế giới có Luật Thanh niên

TS Hoàng Xuân Châu lấy ví dự như: Luật khung về thanh niên Hàn Quốc quy định hẳn một chương (chương VIII) về việc thành lập quỹ công tác thanh niên ở trung ương do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình quản lý, lấy từ nhiều nguồn khác nhau trong đó có nguồn ngân sách, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, lợi nhuận từ việc sử dụng quỹ… và thành lập các quỹ thanh niên ở địa phương. Hoạt động của các quỹ này cũng được quy định cụ thể trong Luật.

Bên cạnh đó, để đảm bảo thực thi, Luật Khung về Thanh niên của Hàn Quốc đã quy định chế tài hình sự áp dụng cho những trường hợp vi phạm Luật này. Luật đã dành hẳn một chương báo gồm 3 điều luật quy định chế tài hình sự áp dụng trong trường hợp cá nhân hoạt động vì lợi nhuận trong lĩnh vực thanh niên nhưng cố ý thực hiện những hoạt động không được phép (Điều 64). Hình phạt đối với hành vi này có thể là phạt tù có thời hạn không quá 2 năm kèm theo laođộng công ích hoặc phạt tiền không quá 20 triêu WON.

Trong trường hợp tổ chức nơi ngườiđó làm việc do quản lý lỏng lẻo đã để họ vi phạm thì sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự  (Điều 65) với hình thức phạt tiền. Đáng chú ý là số tiền phạt sẽ được sử dụng làm nguồn quỹ thanh niên và Bộ trưởng Bình đẳng giới và Gia đình hoặc cơ quan địaphương được ủy quyền có trách nhiệm quản lý số tiền này.

b
Toàn cảnh Hội thảo

“Việt Nam hiện nay đang trong trong thời kỳ “dân số vàng” và có cơ hội lớn tận dụng dư lợi dân số để phát triển. Chính vì vậy về nguyên tắc, Luật Thanh niên phải nhằm mục đích tạo ra và phát huy những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển cá nhân và sự đóng góp xã hội của thanh niên. Đây là vấn đề quan trọng cần được nhà làm luật xác định rõ ràng và quy định rõ ngay trong luật, làm định hướng triển khai các chế định tiếp theo của Luật Thanh niên cũngnhư cho các chủ thể tham gia công tác thanh niên trên thực tiễn”, TS Châu nói.

Các ý kiến từ Hội thảo là cơ sở quan trọng để Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổng hợp nghiên cứu, phối hợp với Bộ Nội vụ cùng các cơ quan liên quan vào báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *