Giao lưu “Khát vọng sáng tạo dựng xây Tổ quốc”

Giao lưu “Khát vọng sáng tạo dựng xây Tổ quốc”

10:35 27/08/2016
    1710

Công tác giáo dục   Chiều ngày 26/8, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn và Báo Thanh Niên tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến: “Khát vọng sáng tạo dựng xây Tổ quốc” là dịp giới thiệu và tôn vinh điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ban biên tập doanthanhnien.vn xin trân trọng giới thiệu lại toàn bộ nội dung của buổi giao lưu trực tuyến này tới bạn đọc để cùng theo dõi:

f
Đồng chí Nguyễn Phi Long (bên trái) – Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam và chị Đặng Thị Phương Thảo (bên phải, ngoài cùng) – Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên – bìa phải) tặng hoa cho các khách mời

Giao lưu trực tuyến: Khát vọng sáng tạo dựng xây Tổ quốc là hoạt động trong khuôn khổ Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 4, năm 2016. Năm 2016, Trung ương Đoàn lựa chọn 445 đại biểu tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2014 – 2016.

Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác mang thông điệp thanh niên Việt Nam thể hiện tình yêu Tổ quốc bằng những việc làm cụ thể, có ích hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống, học tập và công tác. Sống gương mẫu, trách nhiệm với cộng đồng. Sống có khát vọng, hoài bão xây dựng đất nước.

Lan tỏa tinh thần học tập và làm theo lời Bác

Tại Hà Nội, chương trình giao lưu: Khát vọng sáng tạo dựng xây Tổ quốc có sự tham dự của Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long; Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên Đặng Thị Phương Thảo.

g
Đồng chí Nguyễn Phi Long – Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, phát biểu tại buổi trực tuyến

h
Đồng chí Đặng Thị Phương Thảo – Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, phát biểu khai mạc buổi trực tuyến

Chia sẻ tại buổi giao lưu, đồng chí Nguyễn Phi Long, cho biết Đại hội Thanh tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 4, năm 2016 là dịp
Trung ương Đoàn gặp gỡ và tuyên dương 445 đại biểu là những tấm gương thanh niên tiêu biểu đại diện trên mọi lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội, có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đại hội có tinh thần: Tôi yêu Tổ quốc tôi, mong muốn truyền tải thông điệp thanh niên Việt Nam ở mọi thành phần, đối tượng cùng nhau đoàn kết, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ và sức trẻ góp phần cùng đất nước vượt qua những khó khăn, phát triển bền vững và hội nhập cùng quốc tế.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Phi Long, trong cuộc vận động Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác do Trung ương Đoàn triển khai trong nhiều năm qua đã tạo điều kiện, môi trường cho thanh thiếu niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Trên khắp các lĩnh vực, các cấp bộ Đoàn đã phát hiện nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu, vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong cuộc sống để vươn tới những thành công.

“Qua đại hội lần này Trung ương Đoàn cũng mong muốn cổ vũ thanh thiếu niên Việt Nam tiếp tục thi đua học tập và làm theo lời Bác trong mỗi công việc, hành động hàng ngày. Mỗi tấm gương thanh niên tiêu biểu dự đại hội sẽ hạt nhân góp phần lan tỏa trong cộng đồng tinh thần học tập và làm theo lời Bác, thi đua làm việc sáng tạo, có ý chí vươn lên, không lùi bước trước những khó khăn, thử trách trong cuộc sống”, đồng chí Nguyễn Phi Long nói.

Trong chương trình giao lưu trực tuyến: Khát vọng sáng tạo dựng xây Tổ quốc, Báo Thanh Niên lựa chọn 05 cá nhân tiêu biểu:

1. Bùi Trung Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiếu là đại diện tiêu biểu của sinh viên Hà Nội dự đại hội. Hiếu có hoàn cảnh éo le, khi mồ côi cha mẹ, vượt khó vươn lên trong học tập. Ở trường đang học, Bùi Trung Hiếu là sinh viên có nhiều sáng kiến, tích cực tham gia tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng như vận động hiến máu tình nguyện, nhận làm gia sư miễn phí dạy học cho trẻ em mồ côi trên địa bàn Hà Nội.

2. Vũ Xuân Trung, tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. Trong năm 2015 và 2016, Trung liên tiếp giành được Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế với thành tích điểm cao nhất toàn đội.

3. Đinh Xuân Tân, TOP 20 Gương mặt trẻ tiêu biểu VN năm 2015, Kỹ sư cơ khí ô tô, có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất. Năm Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2015.

4. Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược, tốt nghiệp thủ khoa ngành Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và giành nhiều giải thưởng về điêu khắc. Trần Văn Thược cũng là tác giả trẻ có nhiều tác phẩm điêu khắc được lựa chọn tham gia các triển lãm ở trong và ngoài nước.

5. Trần Hữu Lộc, giảng viên khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Trong giới khoa học, Trần Hữu Lộc còn được bạn bè đồng nghiệp gọi là “tiến sĩ tôm” khi có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến các bệnh dịch về tôm, hỗ trợ cho người nông dân và ngành nuôi tôm xuất khẩu tại Việt Nam.

Chương trình giao lưu trực tuyến: Khát vọng sáng tạo dựng xây Tổ quốc bắt đầu lúc 14 giờ 30 phút và kết thúc vào lúc 16 giờ 40 phút cùng ngày 26.8, kính mời độc giả theo dõi nội dung giao lưu bên dưới.

*Vũ Văn Hiếu, Hưng Yên: Nghệ sĩ thì cần phải phiêu, lập dị và cá tính, tự phác hoạ chân dung chính mình, Thược thấy mình “dị” ở những điểm nào ?

Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược: Phiêu và cá tính có lẽ đều có trong mỗi người nghệ sĩ, bởi nghệ sĩ là một người dám làm, dám dấn thân để sáng tạo nghệ thuật. Trong nhiều trường hợp, tinh thần dấn thân, mạo hiểm ấy đã giúp người nghệ sĩ có được tác phẩm có thể định hướng về thẩm mỹ cho công chúng, xã hội. Nếu nghệ sĩ không có cá tính thì họ sẽ không thể làm được những điều khác biệt như thế, và đó là công việc của sáng tạo.

“Dị” thì có nhiều dạng, có người “dị” về ngoại hình, có người “dị” về cách làm việc, ví dụ dễ thấy nhất là bình thường người ta làm việc ban ngày, còn nghệ sĩ hay có thói quen làm việc đêm chẳng hạn. Khi đó, họ không bị làm phiền, tập trung tối đa cho sự sáng tạo.

Còn bản thân tôi, tạo hoá đã ban cho tôi một ngoại hình khiến người khác tò mò, muốn tìm hiểu và gây được chú ý nhất định khi tiếp xúc, gặp gỡ với đối tác. Đó là điều tôi cần cố gắng trong công việc sáng tạo để không phụ lòng sự kỳ vọng của người yêu mến nghệ thuật.

* Trần Văn Tùng, Tuyên Quang: Chị được biết học ở trường ĐH Bách Khoa cũng khá vất vả, hoàn cảnh lại khó khăn, sao em không dành thời gian rảnh để đi làm thêm kiếm tiền trang trải học tập, mà lại đi làm tình nguyện và gia sư miễn phí?

Bùi Trung Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Bản thân em cũng đã từng đi gia sư, bán hàng trong thời gian đầu học đại học. Tuy nhiên, em cảm thấy khoảng thời gian mình phải bỏ ra cho công việc là khá nhiều và lợi ích đem lại thì không gì, ngoài một khoản tiền giúp mình trang trải chi phí cuộc sống. Em cũng mong muốn rèn luyện kỹ năng nhiều hơn, có kinh nghiệm trong công việc đúng với ngành nghề theo học, nên em tập trung vào việc học trong năm thứ nhất và năm thứ hai. Cũng từ những công việc tình nguyện, em đã tự mở được nhiều mối quan hệ của mình và một công ty đã sẵn sàng nhận em vào thực tập trong năm thứ 3, nếu kết quả học tập duy trì ổn định. Đó chính là những điều em mong muốn. Còn việc làm tình nguyện và gia sư miễn phí là một cách để em trau dồi kỹ năng của mình, và em có thể dễ dàng sắp xếp thời gian cá nhân. Đó cũng là tinh thần “pay it forward” (tạm dịch: Đền đáp tiếp tối) mà mỗi người nên có trong xã hội. Sau tất cả, cái em mong muốn có được là kinh nghiệm và kỹ năng phục vụ cho công việc mai sau của bản thân.

* Triệu Văn Tài, Quảng Ninh: Nhiều người nói, điêu khắc khó giàu có về kinh tế, nhất là đối với những người trẻ. Anh Thược quan niệm như thế nào về điều này?

Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược: Chính xác, điêu khắc khó giàu có về kinh tế đối với những người trẻ, bởi các bạn trẻ cần phải trang bị một lượng kiến thức nhất định mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm điêu khắc. Hơn nữa, các bạn còn bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền, nên cũng có trường hợp không trụ lại được với nghề. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cũng có những người trẻ, với những định hướng, tư duy, táo bạo dám dấn thân vào nghề như Thái Nhật Minh, Trần An, Kù Kao Khải… đã gặt hái được những thành công nhất định, xứng đáng để cho các bạn trẻ làm gương noi theo.

* Trần Thuý Vi, An Giang: Nói về chủ đề cuộc giao lưu này, ở vị trí hiện nay, Hiếu thấy mình đang dành nhiều tâm huyết sáng tạo và khát vọng cống hiến trong lĩnh vực nào?

Bùi Trung Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Bản thân mình đam mê công nghệ thông tin. Bên cạnh ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, mong muốn thứ hai của mình là được đi nhiều nơi, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn giống mình. Đối với mình, không ràng buộc sự sáng tạo và cống hiến của bản thân trong một lĩnh vực nào cả. Nhưng bản thân mình thực sự mong muốn mình có thể sáng tạo nhiều hơn trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà mình đang theo học.

* Trần Thị Huyền, Tây Ninh: Chào anh Thược, em nghe nói anh từng vẽ tặng gần 100 bức tranh cho chiến sĩ ở đảo Trường Sa trong thời gian thăm đảo rất ngắn. Em thắc mắc không biết khi đó anh lấy đâu ra nhiều cảm hứng để sáng tác như vậy?

Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược: Vẽ đối với tôi như một nhu cầu thiết yếu hàng ngày nên nó là một phần không thể tách rời. Do đó, việc vẽ cả trăm bức ký họa đối với tôi là một điều bình thường. Hơn nữa, tôi muốn đây như một món quà dành cho các chiến sĩ để họ lưu lại những kỷ niệm những ngày tháng vất vả với cái nắng, cái gió nước biển mặn mòi giữ vững tay súng, bảo vệ bình yên cho biển đảo.

* Phan Hà Châu, Vĩnh Long: Không biết hiện tại Thược đang theo đuổi và dành nhiều tâm huyết sáng tác trong mảng đề tài nào trong cuộc sống?

Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược: Là một người trẻ, con đường luôn rộng mở và nó luôn cuốn hút tôi bởi những tìm tòi và sáng tạo, nên các đề tài tôi theo đuổi rất nhiều. Con đường đang được định hình dần về phong cách. Hiện tại mảng đề tài đang được tôi thể hiện và dành nhiều tâm huyết nhất là đề tài về sự sống, ngôn ngữ tạo hình cô đọng, hiện đại mới mẻ trong mỗi sáng tác. Tôi khai thác triệt để hình và khối, đặc và rỗng, sự hiện hữu của khoảng trống để cho mảng đặc tồn tại. Tôi thường lấy cảm hứng từ chính thiên nhiên, cuộc sống và những con người quanh tôi.

* Vũ Ngọc Tâm, Hà Tĩnh: Có ý kiến cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay vẫn còn nhiều người sống không có ước mơ, hoài bão, chỉ quan tâm lợi ích vật chất bản thân, ít có sự chia sẻ hy sinh lợi ích cá nhân. Qua những trải nghiệm thực tế trong đời sống, Hiếu nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Bùi Trung Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Trải qua một năm đại học, một khoảng thời gian không dài nhưng cũng không ngắn, đủ để cho em có thời gian nhìn nhận tiếp xúc với các bạn, các em cùng trường. Rất nhiều người sống có nghị lực ước mơ, quan tâm đến lợi ích chung, biết chia sẻ, tuy nhiên cũng không ít người sống không có ước mơ, không có sự phấn đấu, dễ chán nản bỏ cuộc. Nhiều người chỉ quan tâm lợi ích cá nhân, không có sự chia sẻ với cộng đồng. Bản thân em, sống không có ước mơ là tự tay đóng lại con đường tương lai của mình, không có ước mơ bản thân sẽ không biết phấn đấu cho cái gì và tất nhiên thành công cũng sẽ không đến.

Còn đối với người mà chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, không có sự chia sẻ, thì bản thân họ sẽ bị cô lập, sớm muộn cũng sẽ bị những người xung quanh quay lưng. Cuộc sống là sự cho đi và nhận lại nên những người như vậy là không biết nhìn xa trông rộng, em nghĩ cũng sẽ khó đạt được thành công trong cuộc sống.

* Đỗ Văn Bảo, Quản Nam: Với thành tích 2 lần đoạt HCV Toán học, mục tiêu trong tương lai của bạn là gì? Trở thành nhà toán học, đi du học và làm việc ở nước ngoài giống như nhiều tài năng của VN trước đây ?

Vũ Xuân Trung, tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội: Mặc dù có 2 HCV Toán học, nhưng tương lai có thể mình sẽ không trở thành nhà toán học. Mình thích khoa học máy tính cũng như công nghệ thông tin. Còn việc đi du học, mình rất muốn và sẽ cố gắng giành được học bổng đi du học.

* Bùi Thị Hằng, Nghệ An: Em năm nay học lớp 12, để chuẩn bị cho kỳ thi đại học sang năm, từ bây giờ chúng em đã phải học ngày, học đêm, luyện thi. Vậy trước khi đi thi Olympic quốc tế, một ngày anh dành bao nhiêu thời gian để luyện thi?

– Vũ Xuân Trung, tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội:  Chào em!

Trước tiên anh chúc em sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi đại học sắp tới. Theo anh nghĩ, mỗi một kỳ thi chúng ta dành thời gian để ôn luyện kiến thức là điều cần thiết. Nó giúp chúng ta sắp xếp, rèn luyện lại kiến thức mình đã học được. Tuy nhiên, việc ôn luyện cũng không nên thái quá. Chúng ta nên biết cân bằng, giữ gìn sức khỏe, không nên bỏ ăn, bỏ ngủ để học.

Trước một kỳ thi yếu tố tâm lý là quan trọng, còn kiến thức là cả một quá trình tích lũy, việc em cố gắng nhồi kiến thức cùng một lúc, có khi gây phản tác dụng. Anh nghĩ, em nên dành thời gian để phân loại bài tập cũng như kiến thức, khi đó việc học trở nên hiệu quả và nhẹ nhàng hơn.

Còn anh, trước khi thi Olympic quốc tế thời gian cũng chỉ nhiều hơn bình thường một chút, chủ yếu là mình ôn luyện lại kiến thức đã học.

* Đặng Trung Thái, Hưng Yên: Từng giành được rất nhiều lời khen ngợi, tán dương, anh Thược thấy mình cần phải làm gì sau những lần như vậy?

Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược: Lời khen rất quan trọng, nó là một động lực cho mỗi người để họ hứng thú với công việc của chính mình. Từ những thành công nhất định, tôi cũng không tự mãn và luôn đặt ra các mục tiêu tiếp theo để hoàn thiện nó bởi tôi biết, ở ngoài xã hội, có rất nhiều người tài giỏi hơn. Tôi luôn nỗ lực học tập từ chính họ, không đố kỵ để hoàn thiện mình tốt hơn. Thất bại cũng không khiến tôi nản lòng, nó chỉ giúp tôi cứng rắn hơn.

*
Bích Trâm: Năm nay được coi là năm quốc gia khởi nghiệp, cổ vũ người trẻ vươn lên làm giàu và phát triển nhưng em thấy khó nhất là phải định hướng lĩnh vực khởi nghiệp. Với kinh nghiệm bản thân, anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ muốn bắt đầu làm giàu từ nghề nuôi tôm?

Trần Hữu Lộc, giảng viên khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh: Chào bạn, theo tôi, chúng ta phải coi khởi nghiệp là sự nghiệp cả đời. Không phải chỉ có mội lần khời nghiệp là xong. Ngay cả như tập đoàn VinGroup còn có khẩu hiệu “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Điều này có nghĩa rằng trong bất kỳ suy nghĩ và hành động, chúng ta luôn luôn có tinh thần cách mạng trong công việc, luôn luôn cải tiến để mọi thứ sẽ tốt hơn.

Để khởi nghiệp thành công, theo tôi nghĩ nói đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố “nghiêm túc” trong suy nghĩ là rất quan trọng. Chúng ta phải thực sự đam mê với việc mình làm và sẵn sàng vui vẻ cống hiến hết mình, sống chết với việc mình làm với động cơ không phải chỉ là làm giàu cho bản thân mà thực sự phải có lợi ích cho cộng đồng, xã hội và nhân loại.

Khi xác định đuoc tâm thế đúng đắn chúng ta sẽ có chiến lược để phải làm gì trong tầm nhìn dài hạn để thành công chứ không phải chỉ đơn thuần là hứng lên “khởi nghiệp cho vui”.

Để có thể làm giàu được từ nghề nuôi tôm, theo tôi, quan trọng nhất là bạn phải rất yêu con tôm, có thể ăn ngủ cùng nó, dành hết tâm huyết thì mới có thể thành công. Khi thực sự ta đam mê thì ta sẽ thấy nhu cầu học hỏi và lăn lộn với nghề là quan trọng như thế nào. Cần phải có trải nghiệm mới thấy nghề này thú vị thế nào và ta quyết theo đến cùng với cách làm khoa học và khôn ngoan nhất.

Theo tôi để thành công với nghề tôm bạn cần nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là đam mê, kiến thức, kỹ năng, vốn, và một chút may mắn.

* Hoàng Trần Nam, Bắc Ninh: Anh Hiếu ơi, anh có thể kể về quãng thời gian khó khăn nhất mà anh phải vượt qua? Anh có nhắn nhủ gì với các bạn có hoàn cảnh giống anh?

Bùi Trung Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Cảm ơn em đã đặt câu hỏi cho anh. Đối với anh, quãng thời gian khó khăn nhất với mình chính là quãng thời gian khi mà hai người thân thiết nhất của anh là bà ngoại và mẹ anh lần lượt bỏ anh ra đi. Quãng thời gian đó ngoài phải chịu những nỗi buồn thường trực, những người xung quanh thì cho rằng mình sẽ không thể thành công, không thể gượng dậy bước tiếp được khi đã mất những người thân yêu nhất, chỗ dựa tốt nhất. Nhưng anh nghĩ rằng, mình không thể bỏ cuộc, điều đó không cho phép anh dừng lại, buộc anh phải cố gắng đi lên. Anh lấy chính những thứ áp lực kia làm động lực để thúc đẩy anh tiến lên phía trước. Anh khao khát được vươn lên, được nói với mọi người rằng anh sẽ làm được và anh đã làm được.

Với những bạn có hoàn cảnh giống như anh, anh cũng muốn nói với các bạn rằng, điều quan trọng nhất là các bạn không được bỏ cuộc, không được để những suy nghĩ tiêu cực đánh gục bản thân, hãy thử tưởng tượng xem các em sẽ ra sao nếu mình dừng bước hay bỏ cuộc. Trong cuộc sống, những điều xảy ra thì không thể thay đổi nhưng cái có thể thay đổi là suy nghĩ, là việc đối mặt với nó. Nếu hiểu được điều đó, các bạn sẽ biết cách vượt qua khó khăn để thành công.

* Duy Nghị: Hiện có nhiều người trẻ đang tham gia và thực hiện phong trào và các công tác Đoàn – Hội. Tuy nhiên, có một số bạn dường như lại không xác định được mục tiêu phát triển của mình tiếp theo sẽ là gì sau khi chính thức ngừng hoạt động, sống không mục đích, cứ gặp hoạt động nào là bạn sẽ lao vào tham gia hoạt động đó mà không suy nghĩ nó có ích gì cho bản thân. Vậy bạn có nghĩ nếu chưa có việc làm ổn định mà cứ tham gia hoạt động Đoàn là lãng phí thời gian không?

Đinh Xuân Tân, TOP 20 Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2015: Mình nghĩ tất cả các bạn trẻ khi tham gia vào các hoạt động Đoàn đều nhận được những giá trị cho riêng mình (được giáo dục, được rèn luyện, được vui chơi, được trải nghiệm…) thời gian bị lãng phí nhất là lúc chúng ta lười và ngừng suy nghĩ.

Ngay cả khi bạn chưa có việc làm ổn định mà bạn tham gia hoạt động Đoàn thì bạn cũng sẽ học được một điều gì đó, hay bạn trải qua một cảm xúc nào đó… mà nó sẽ tác động đến suy nghĩ, đến nhận thức của bạn giúp bạn thay đổi suy nghĩ, từ đó bạn sẽ tìm ra được một con đường đi mới tốt hơn cho bản thân mình. Hay nếu là một thất bại của ai đó thì nó cũng sẽ tránh được những thất bại đó trong cuộc sống sau này của bạn.

d
Vũ Xuân Trung, tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội (trái) đang giao lưu cùng bạn đọc

* Phan Anh, Vĩnh Phúc: Khi còn học THCS phải nghỉ học đi làm để phụ giúp gia đình. Có phải là con út trong nhà nên Trung được ưu tiên học lên cao? Đã bao giờ Trung có ý định nghỉ học như các anh chị để giúp đỡ bố mẹ?

Vũ Xuân Trung, tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã quan tâm đến hoàn cảnh gia đình mình. Trước đây, bố mình cũng muốn cho các chị đi học đầy đủ, nhưng do hoàn cảnh lúc đó rất khó khăn nên các chị phải nghỉ học sớm. Mình là con út, sinh sau đẻ muộn nên điều kiện cũng cho phép mình học cao hơn.

Ý nghĩ nghỉ học chưa bao giờ xuất hiện trong đầu mình. Mọi người đặt kỳ vọng rất nhiều vào mình, nên Trung sẽ cố gắng học thật tốt, gặt hái nhiều thành công để không phụ lòng bố mẹ và các chị.

* Thanh Nhi: Trong tình hình hiện nay còn một bộ phận không nhỏ thanh niên ở các vùng nông thông chưa tìm được việc làm ổn định. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của mình, anh có giải pháp nào để kiến nghị với Trung ương Đoàn tổ chức các lớp huấn luyện, hỗ trợ việc làm cho thanh niên nông thôn.

Trần Hữu Lộc, giảng viên khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh: Trước tiên tôi rất cảm ơn nhận xét chính xác của bạn. Để tạo được công ăn việc làm tốt, hướng đến làm giàu cho thanh niên nông thôn thì vai trò của đoàn thanh niên là cực kỳ quan trọng.

Tôi còn nhớ khi tôi còn là một cán bộ đoàn ở trường ĐH Nông Lâm TP.HCM được học lớp tập huấn cán bộ đoàn do thành đoàn TP.HCM tổ chức tôi đã được nghe chia sẻ và dặn dò của anh Tất Thành Cang khi đó là Bí thư Thành  đoàn nay là Phó bí thư Thành ủy TP.HCM rằng vai trò của đoàn thanh niên trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, tiến đến làm giàu, khởi nghiệp để thành công ở các cơ sở và địa phương là cực kỳ quan trọng.

Đoàn thanh niên phải đóng vai trò nòng cốt giới thiệu hướng dẫn thanh niên trong sản xuất, tạo mô hình tốt để làm giàu trên chính mảnh đất địa phương.

Tôi nghĩ, mỗi cán bộ đoàn địa phương phải là một tấm gương khởi nghiệp trong lao động và sản xuất, tạo ra công ăn việc làm cho thanh niên địa phương. Mỗi địa phương sẽ có các thế mạnh đặc thù để phát triển ví dụ: nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, du lịch….đoàn thanh niên địa phương có thể tìm hiểu mô hình phù hợp và hỗ trợ chung tay để thực hiện một vài mô hình kinh tế điểm với sự hỗ trợ của địa phương, các nhà khoa học trí thức trẻ và các nguồn hỗ trợ tín dụng phải làm thành công thì thanh niên địa phương mới tin và làm theo.

Vai trò của đoàn thanh niên là kết nối hỗ trợ, và nhân rộng mô hình để thanh niên nông thôn ngày càng tin tưởng vào vai trò của đoàn thanh niên và có thể làm giàu cho bản thân, gia đình và địa phương.

* Kim Trung, Hải Dương: Em là Hương, năm nay 21, rất thích điêu khắc, hội họa và tìm hiểu thì được biết, để theo được lĩnh vực này không chỉ cần có năng khiếu mà phải có đam mê. Anh có thể chia sẻ vì sao anh đến với điêu khắc? Gia đình anh có ai làm điêu khắc không?

Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược: Điêu khắc là một tác phẩm dưới dạng tượng tròn hoặc phù điêu. Tượng tròn là tượng mà người xem có thể xem được tất cả mọi góc cạnh, nhiều chiều của một tác phẩm. Phù điêu được thể hiện dưới dạng 2D trên mặt phẳng có khối nổi. Tôi thích điêu khắc bởi vì tôi thích tiếp xúc với hình khối có thực và trong quá trình làm việc mình có thể tương tác với nó. Thông qua những tác phẩm điêu khắc, tôi thể hiện được hết những ý đồ muốn truyền tải lên một tác phẩm, hơn là một bức tranh vẽ trên mặt phẳng.

Lý do thứ hai là, hồi còn bé, tôi cùng các bạn hay nặn tượng nhỏ, pháo bằng đất nặn, đam mê cũng nảy sinh từ đó nên sau này, tôi quyết định thi vào trường Mỹ thuật công nghiệp để thoả mãn sở thích cũng như tiếp thu thêm kiến thức về ngành điêu khắc.

Để theo điêu khắc, ngoài yếu tố năng khiếu, bạn cần phải có tính kiên trì và thậm chí phải hy sinh nhiều thứ để theo nghề. Đơn giản nhất, bạn không thể ăn mặc quá đẹp đẽ như dân văn phòng, công việc lại vất vả, và phải biết làm tất cả các việc như sơn, đắp, cắt gọt, mài giũa, bụi bặm; tiền đi làm thêm phải mua nguyên vật liệu để sáng tác.

Ngoài ra, bạn phải đối mặt với một khó khăn nữa như bạn quá trẻ, nên rất khó bán tác phẩm. Bởi bạn chưa có danh tiếng trong giới. Trong khi bạn bè đi kiếm tiền, thì bạn phải tiêu tiền cho việc mua nguyên vật liệu để làm tác phẩm. Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay cũng có nhiều cơ hội để sáng tạo về các tác phẩm điêu khắc, bởi nguyên vật liệu thì phong phú. Các giải thưởng, cuộc thi cũng nhiều giúp cho các bạn có cơ hội khẳng định mình sớm hơn trong giới điêu khắc.

Còn trong gia đình mình không có ai theo nghề điêu khắc, mọi thứ đều do mình tự quyết định. Một gia đình có cha mẹ làm nghệ thuật thì cũng chưa chắc con cái đã theo được nghệ thuật hoặc cũng có thể còn làm tốt hơn cha mẹ.

* Bùi Trung Kiên, Bình Phước: Nếu có ai đó nói rằng, bạn là “gà công nghiệp”, chỉ biết ăn và học, bạn sẽ nói gì với họ?

Vũ Xuân Trung, tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội: Khi bạn đặt câu hỏi này bạn có nghĩ mình như vậy không? Thực ra, mình biết có rất nhiều người nghĩ mình như vậy. Thường mình không để bụng lắm, những người tiếp xúc với mình nhiều, sẽ có cách nhìn khác. Cuộc sống mình không đến nỗi chỉ ăn và ôm sách học. Mình nghĩ nếu sống vậy thì thật là mệt mỏi. Hì hì.

s
Bùi Trung Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội (trái) đang giao lưu cùng bạn đọc

* Nguyễn Văn Hùng, Vĩnh Phúc:
Em vừa đỗ vào ĐH Bách Khoa nhưng thực ra nguyện vọng 1 của em là trúng tuyển vào một trường quân đội, anh Hiếu có chia sẻ kinh nghiệm học tập gì ở trường Bách Khoa để em có thể thích học ở đây được không?

Bùi Trung Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Chào em, cám ơn em vì đã đặt câu hỏi cho anh.

Anh nghĩ rằng trong cuộc sống, đôi khi không phải lúc nào mình cũng đạt được những điều như mong muốn. Anh nghĩ rằng, một cánh cửa đóng lại thì cũng nhiều cánh cửa khác mở ra cho em. Anh nghĩ việc cấp thiết bây giờ là em cần xác định cho mình động lực, mục tiêu mới cho việc học ở Đại học Bách Khoa. Một năm qua học ở trường này, anh thấy đây là ngôi trường đại học có môi trường học tập tốt, có nhiều cơ hội để phát triển khả năng, trau dồi kiến thức. Điều quan trọng là không phải em học trường nào, mà quan trọng là ước mơ của em là gì, học trong ngôi trường này em sẽ làm gì để đạt được ước mơ đó.

Anh tin em sẽ làm được, sẽ sống có ước mơ mục tiêu. Đừng vì một cánh cửa đóng lại mà em khép lại luôn tương lai vốn dĩ rộng mở với em, em nhé.

*
Trần Khánh Linh, Cần Thơ: Mình từng đọc nhiều bài báo về câu chuyện cuộc đời Hiếu, không biết cuộc sống hiện giờ của bạn ra sao rồi. Chúc bạn thành công nhé!

Bùi Trung Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Cám ơn bạn đã quan tâm. Hiện tại, mình đang ở trọ với bạn cùng lớp đại học. Cuộc sống sinh viên cũng giúp mình có thêm niềm vui mới. Hiện tại, việc học, các công việc tình nguyện cũng chiếm rất nhiều thời trong ngày. Ngoài việc học, mình tham gia các dự án tình nguyện tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện… lịch làm việc cũng khá dày.

Nhìn lại sau một năm được học tập trong môi trường đại học, được tiếp xúc với môi trường tình nguyện rộng mở, bản thân mình đã trau dồi được nhiều kỹ năng, cũng như tiếp xúc được những nền tảng kiến thức mới. Mình cũng biết kiềm chế những nỗi buồn, biết cách tự vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Mình cũng đã có định hướng rõ ràng về công việc và nghề nghiệp mai sau. Mình dự định sẽ đi thực tập vào năm học thứ 3 ở một công ty về lĩnh vực công nghệ thông tin, để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa có kinh nghiệm cho công việc tương lai.

* Trần Văn Thịnh, Nam Định: Tôi tò mò muốn biết, nhà vô địch Olympic có biết sửa khóa như bố hay không?

Vũ Xuân Trung, tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội: Bản thân mình rất thích xem bố mình sửa khóa, nhưng mình không biết sửa khóa. Thường thì khi mình động tay, động chân bố mình lại có thêm một cái khóa nữa phải sửa.

* Quý Ngọc: Được biết anh Trần Hữu Lộc từng có thời gian học tập tại trường đại học nổi tiếng của Mỹ, vậy theo anh nhận định khả năng tự tìm cơ hội nghề nghiệp của sinh viên Việt Nam có thua kém sinh viên Mỹ?

Trần Hữu Lộc, giảng viên khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh: Thành thật mà nói các bạn trẻ đừng đau lòng chúng ta thua kém khá xa các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên ở nước ngoài như Mỹ về khả năng nghề nghiệp.

Một số điểm thua kém của chúng ta tôi có thể nêu ra như sau:

– Thiếu kỹ năng mềm bao gồm kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, làm việc độc lập, thuyết trình, giải quyết vấn đề…

– Tính chuyên nghiệp trong công việc.

– Kiến thức và kỹ năng phục vụ công việc. Kiến thức trường lớp của chúng ta nặng về tinh hàn lâm mà thiếu thực tế để giải quyết công việc.

– Sức khỏe, thể lực: Từ trong nhà trường tiểu học, trung học đến đại học chúng ta chưa thật sự xem việc rèn luyện thể chất là đầu tư cho tương lai cho nên các bạn trẻ Việt Nam thật sự thua kém nhiều cả về thể hình và thể lực để có thể phục vụ tốt cho công việc.

Dạo một vòng các trường đại học chúng ta có thể thấy số bạn trẻ lê la quán nhậu là áp đảo so với các bạn trẻ dành thời gian cho việc chơi thể thao.

* Huỳnh Như: Trên thực tế, tôi thấy nhiều cơ quan, đơn vị dường như chỉ quan tâm đến phần tuyên dương, khi thanh niên đã thành công trong khởi nghiệp. Nhưng quan trọng hơn là hỗ trợ, khích lệ họ khởi nghiệp ngay từ độ tuổi trưởng thành, bước vào đời có đúng vậy không anh Tân?

Đinh Xuân Tân, TOP 20 Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2015: Theo mình thì việc tuyên dương thanh niên khi họ đã có thành công trong khởi nghiệp cũng là một hình thức khích lệ những thanh niên khác, nó đã xây dựng được mục đích tạm thời cho những người đang quan tâm đến nó và chắc chắn họ cũng sẽ suy nghĩ tìm hướng đi để họ đạt được mục đích tạm thời đó.

Điểm tích cực ở chỗ là đã kích thích cho thanh niên  suy nghĩ theo hướng tốt và thực hiện nó bằng thái độ nghiêm túc nhất. Từ đó họ sẽ tích lũy được những kinh nghiệm để chinh phục những mục đích cao hơn mà họ mong muốn đạt được.

Việc hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp ngay từ độ tuổi trưởng thành, bước vào đời cũng là một việc quan trọng nhưng quan trọng hơn là người trẻ khởi nghiệp cần phải xác định được là mình đang cần hỗ trợ cái gì và từ đó mình sẽ tìm kiếm, học hỏi và tích lũy cho mình. Như vậy sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nữa.

*
Trần Thanh Thuý, Cao Bằng: Hiếu làm gia sư miễn phí cho trẻ em mồ côi được bao lâu rồi? Từ đâu mà cháu lại quyết định làm như vậy. Cháu có mong ước gì để các em bé mồ côi giảm bớt thiệt thòi so với các bạn khác?

Bùi Trung Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Cháu làm gia sư tình nguyện mới chỉ từ học kỳ 2 của năm thứ nhất. Chủ yếu là cho các em cuối cấp. Cháu cũng từng trong hoàn cảnh như các em, chúng cháu đôi khi chỉ cần một ai đó tâm sự, quan tâm và hầu hết các em đều khá nhát.

Khi gặp gỡ, cháu thấy trong các em đều có đam mê học tập và hoàn thiện mình nhưng có thể nhiều em chưa có phương pháp học tập đúng hướng. Vì vậy, cháu mong muốn sẽ có nhiều sự hỗ trợ về học tập như các lớp gia sư, các lớp ôn luyện, các khoá đào tạo kỹ năng mềm miễn phí, cũng như là các chương trình tình nguyện trong các dịp 1.6, Trung thu hay Tết nguyên đán, giúp các em có thể hoà đồng, cởi mở hơn với những người xung quanh đồng thời trau dồi, tích luỹ được những kỹ năng mềm.

* Vũ Thu Phương, Nghệ An: Ngoài toán học, anh Trung có học giỏi những môn nào khác? Đã bao giờ anh bị điểm kém hay chưa?

Vũ Xuân Trung, tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội: Chào em. Ngoài học toán, anh thấy mình học khá được trong các môn tự nhiên khác như: lý, hóa. Thực ra, anh nghĩ một con người không thể toàn diện, do vậy bị điểm kém là điều không tránh khỏi. Điển hình là anh thường bị điểm kém ở môn văn. Chắc có lẽ môn văn anh làm “xúc tích” quá.

Anh chúc em sẽ đạt kết quả cao trong các môn học. Nếu điểm có kém quá cũng đừng buồn nhé.

* Trần Lệ Thu, Tuyên Quang: Ngoài học toán, Trung có niềm đam mê nào khác, một số môn thể thao chẳng hạn?

Vũ Xuân Trung, tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội: Ngoài thời gian học, mình cũng thích xem phim, nghe nhạc… Mình khá là lười tham gia các hoạt động thể thao. Nếu có chủ yếu là chơi đá cầu, chơi cầu lông. Mình nghĩ rằng, ngoài việc học, nếu tham gia được các hoạt động khác giúp cuộc sống chúng ta cân bằng hơn.

* Đậu Thị Minh, Đồng Nai: Được biết bạn có nhiều sáng kiến trong các hoạt động tình nguyện. Bạn Hiếu có thể chia sẻ một kinh nghiệm về điều này không? Làm thế nào để những hoạt động tình nguyện đạt hiệu quả thực chất, chứ không chỉ chạy theo phong trào, thời vụ?

Bùi Trung Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Chào bạn, mình rất vui vì bạn đã đặt câu hỏi cho mình.

Mình nghĩ là sinh viên, bản thân cần trau dồi kỹ năng mềm. Có rất nhiều hoạt động tình nguyện mình tham gia với tư cách tình nguyện viên, hơn nữa mình có thể tập trung một nhóm với cùng mối quan tâm và cùng xây dựng một dự án tình nguyện về một khía cạnh, tại một địa điểm mà mình nghĩ là cần được quan tâm. Việc đó không dễ, nhưng đó là thử thách để mình rèn bản thân, cũng là làm được điều gì có ích cho xã hội.

Còn để nói về một hoạt động tình nguyện muốn đạt được hiệu quả thực chất, thay vì chỉ chạy đua theo phong trào, thời vụ thì có hai yếu tố là chủ quan và khách quan.

Về mặt chủ quan, cái mình cần tự hỏi bản thân là mình tình nguyện để làm gì, mình sẽ làm như thế nào, thời hạn mình tham gia tình nguyện sẽ là bao lâu, mình sẽ bố trí thời gian như thế nào và tính khả thi của dự án tình nguyện của mình? Khi trả lời được những câu hỏi đó, bạn sẽ tự đặt ra cho mình một kế hoạch tình nguyện cụ thể, với những phương thức khác nhau, để tránh tình trạng công việc tình nguyện quá năng nổ giai đoạn đầu nhưng giai đoạn sau bỏ giở, hoặc cảm thấy trách nhiệm quá nặng nề mà áp lực, cũng như tránh tình trạng tình nguyện theo phong trào, thời vụ.

Về mặt khách quan thì việc truyền và giữ lửa là vô cùng quan trọng, thứ hai là tính thiết thực và những hiệu quả đạt được. Mỗi kế hoạch tình nguyện hay báo cáo sau tình nguyện phải SMART, minh bạch, và đồng thời hoạt động tình nguyện đó cũng phải tạo điều kiện giao lưu, chia sẻ giữa các thành viên với nhau.

* Bùi Quang Dũng, Cần Thơ:
Quan sát trên thực tế, tôi thấy nghề điêu khắc ngày càng ít hấp dẫn giới trẻ. Bạn thấy điều này có phổ biến không, vì sao nghệ thuật điêu khắc hiện nay không còn hấp dẫn người trẻ?

Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược: Điêu khắc hiện nay vẫn hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt là những người thích tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Nhưng bên cạnh đó, không phải bạn trẻ nào cũng có thể theo đuổi được đam mê này. Bởi vì ngoài năng khiếu ra thì cơm áo gạo tiền chi phối rất nhiều. Các bạn rất trẻ chưa có tên tuổi, thành công nhất định, nên rất khó bán được tác phẩm. Những bạn nào theo đến cùng thì thời gian khởi đầu cũng phải làm thêm những việc ngoài để có tiền thoả mãn đam mê của mình.

Bản thân tôi, lúc mới vào nghề cũng phải làm rất nhiều việc song song như vẽ tranh tường, làm điêu khắc phục vụ tầng lớp bình dân, để có tiền mua nguyên vật liệu, để sáng tạo những tác phẩm mới. Tuy nhiên, thời kỳ mở cửa cũng tạo ra rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ như vật liệu để sáng tạo rất phong phú, các cuộc thi mở ra nhiều, cũng khiến các bạn có nhiều cơ hội hơn để khẳng định mình trong giới tạo hình điêu khắc ở Việt Nam và nước ngoài.

* Tuyết Trinh: Theo anh, yếu tố nào giúp người trẻ thành công trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu của mình ?

Trần Hữu Lộc, giảng viên khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh:  Tự chủ.

Tự chủ phải được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm việc chủ động trong cuộc đời, sự nghiệp, học tập và rèn luyện của mọi con người. Nhắc lại ý của một câu hỏi bên trên khi có được sự chủ động ta sẽ biết ta muốn gì và cần phải làm gì.

Tự chủ về kinh tế: khoa học và kinh tế đi đôi với nhau; khoa học phục vụ kinh tế và ngược lại kinh tế sẽ đặt hàng khoa học phải làm gì. Vận dụng nhuần nhuyễn được công thức này, nhà khoa học có thể  tạo ra những sản phẩm tri thức và vật chất thực sự có giá trị cho xã hội và có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình một cách đàng hoàng.

* Trần Văn Được, Đà Nẵng: Nhiều bạn trẻ hiện nay có thể học rất giỏi nhưng lại thiếu nhiều kỹ năng mềm, như kỹ năng giao tiếp, tự chăm sóc bản thân hay giúp đỡ bố mẹ… Không biết bạn Trung thế nào?

Vũ Xuân Trung, tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội: Trung tự nhận thấy, mình cũng khá yếu về kỹ năng mềm. Có thể là do mình chú tâm vào học tập, nên khả năng giao tiếp cũng bị hạn chế, trừ việc chăm sóc bản thân. Gia đình mình khá đông anh chị em. Bố mẹ bận đi làm nên mình thường phải tự lo cho bản thân. Thỉnh thoảng mình cũng phải giúp đỡ bố mẹ, chủ yếu là làm việc nhà.

Trong thời gian tới, mình sẽ cố gắng cải thiện những kỹ năng cần thiết, tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội, hoạt động Đoàn – Hội…

* Trần Thuỳ Uyên, Tuyên Quang: Với người nghệ sĩ, mỗi tác phẩm sáng tạo đều là những đứa con tinh thần đầy tâm huyết, nhưng xin hỏi bạn Thược, những tác phẩm nào đến giờ bạn tâm huyết nhất, liệu có phải những tác phẩm giành vị trí trong các cuộc triển lãm trong và ngoài nước?

Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược: Chính xác là các tác phẩm khi dành vị trí trong các cuộc triển lãm trong và ngoài nước là những đứa con tinh thần đầy tâm huyết. Bởi vì trước khi chọn các tác phẩm để triển lãm, tôi đã phải đấu tranh rất nhiều trong vô vàn các “đứa con” tinh thần tôi đã sinh ra. Nó thể hiện sự quyết định đúng đắn khi lựa chọn những tác phẩm này để phù hợp với chủ đề của từng cuộc triển lãm. Trong đó, tác phẩm tôi tâm đắc nhất có tên là “Sự sống”. Tác phẩm này đã đạt giải đồng hạng của Hội mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Tác phẩm nói về sự vươn lên mạnh mẽ của con người, trong đó chi tiết những chiếc thang như nói về số phận của con người, mỗi người hãy cố gắng để vươn lên thì sẽ giành được những vị trí cao như những nấc thang kia vậy. Ngoài ra, tác phẩm có hình tượng cái cây mọc ở mảnh đất cằn cỗi nhưng vẫn đơm hoa kết trái, tràn trề nhựa sống như một sự động viên con người, khi khó khăn hãy bằng nghị lực, trí tuệ lao động để vươn lên như cái cây kia vậy.

d
Đinh Xuân Tân, TOP 20 Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2015

* Mỹ Loan: Đạt được rất nhiều danh hiệu, phần thưởng, có nhiều giải pháp sáng tạo hữu ích, vậy ở cơ quan chắc hẳn anh Tân là một ngôi sao sáng giá. Có bao giờ anh cảm thấy “khó sống” vì nổi tiếng và bị mọi người quá quan tâm đánh giá quá mức không?

Đinh Xuân Tân, TOP 20 Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2015: Anh có một may mắn là môi trường làm việc của anh rất thân thiện và ổn định. Những danh hiệu, phần thưởng mà anh nhận được mặc dù là mang tên anh nhưng nó lại là công sức và thành tích của cả một tập thể, của gia đình và của đồng nghiệp.

Anh luôn cố gắng hỗ trợ đồng nghiệp tất cả những gì có thể và cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ đồng nghiệp nên cảm giác ‘khó sống” như em nói anh chưa gặp phải. Và chính những danh hiệu này làm anh cảm thấy mình trách nhiệm hơn và nỗ lực học tập và cải thiện mình nhiều hơn nữa.

*
Như Quỳnh: Hiện nay một vấn đề đang được dư luận quan tâm là việc nhiều sinh viên giỏi, được cử đi du học nhưng sau đó họ không muốn trở về nước. Anh nghĩ đất nước cần làm gì để có thể lôi cuốn nguồn lao động tài năng này trở về để cống hiến cho sự phát triển của đất nước?

Trần Hữu Lộc, giảng viên khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh: Theo tôi nghĩ, mỗi quốc gia đều có các chiến lược để thu hút nhân tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Đối với các đất nước phát triển đó chính là cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, y tế giáo dục tốt nhằm thu hút những người giỏi về phục vụ.

Trong hoàn cảnh của đất nước chúng ta, chúng ta khó cạnh tranh với những nước phát triển về những mặt nêu trên. Ngược lại chúng ta cũng có những tiềm năng mà các nước phát triển cao sẽ không có. Đó chính là một nền kinh tế trẻ, năng động và rất nhiều các cơ hội khởi nghiệp để thành công.

Bên cạnh đó khi một đất nước còn nhiều vấn đề để giải quyết thì nhu cầu để có các cuộc cách mạng trong khoa học kỹ thuật là rất  nhiều. Nói cách khác ở những đất nước như vậy cơ hội để thành công là nhiều hơn cả ở những nước phát triển.

Chúng ta có thể thấy các nước đang phát triển như Việt Nam, Myanmar, Indonesia…là những mỏ vàng còn sót lại trong mắt của các nhà đầu tư quốc tế.

Thực tế cho thấy, cả những người rất giỏi ở các nước phát triển cũng chạy sang các nước đang phát triển để tìm cơ hội thành công. Vậy tại sao trí thức Việt Nam lại không thể thành công trên đất nước của mình?

Theo tôi, vai trò của nhà nước là làm sao có được cơ chế hỗ trợ tối đa để các trí thức có thể tự khởi nghiệp và thành công trên chính đất nước của mình.

* Đàm Đức Mạnh (Hà Tĩnh): Chúc mừng Trung thêm một lần nữa giành huy chương vàng Olympic Toán học. Là người đã từng đoạt huy chương vàng kỳ thi năm ngoái, lần thứ 2 tham dự cuộc thi này, bạn có gặp áp lực hay không? Bạn có hài lòng về kết quả năm nay?

Vũ Xuân Trung, tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội: Trong kỳ thi lần này, tất nhiên là mình cảm thấy có áp lực. Thực ra năm ngoái, mình tham gia kỳ thi này rồi, áp lực nhiều, vì mình lần đầu tiên tham một cuộc thi quốc tế, kiến thức chưa vững, chưa có nhiều kinh nghiệm. Còn năm nay, chủ yếu là do kết quả cao của năm trước đã gây áp lực cho mình. Tuy nhiên, mình vẫn đạt được kết quả cao. Mình hài lòng với kết quả này. Ít nhất là Trung đã nỗ lực hết mình.

h
Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược (phải) đang giao lưu với bạn đọc

* Trần Hoà Bình, Hà Nội:
Khi đặt chân lên quần đảo Trường Sa, tôi được biết bạn dành toàn bộ thời gian để ký họa chân dung những người lính đảo, cả chuyến đi ấy, không biết vẽ được bao nhiêu bức hình. Điều gì khiến bạn dành tâm huyết cho công việc này đến vậy?

Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thược: Chuyến đi Trường Sa này mình vẽ rất nhiều và không nhớ rõ chính xác là bao nhiêu bức, chỉ nhớ khoảng 100 bức ký hoạ. Nhưng mục tiêu của mình không phải vẽ được bao nhiêu bức họa mà là càng nhiều càng tốt. Vẽ chân dung giống như kỷ niệm và món quà mình tặng cho những người lính hải quân đã ngày đêm vất vả gìn giữ bình yên cho biển đảo Tổ quốc. Trong các bức họa đó, mình ấn tượng với một chiến sĩ mà khi vẽ xong, chiến sĩ này vui mừng treo luôn lên tường để ngắm và nói lại với mình rằng, sẽ giữ bức ký họa đó để về khoe với vợ con ở nhà. Khi mình ký họa, rất nhiều chiến sĩ ngồi xung quanh để nhìn mình vẽ, đó là một kỷ niệm không bao giờ quên với mình khi đặt chân lên quần đảo Trường Sa.

* Tố Uyên: Em thấy sinh viên như tụi em ra trường muốn xin được công việc tốt, lương cao trong các cơ quan nhà nước thì đều phải có mối quan hệ hay phải “lót tay”. Anh Tân nghĩ sao về việc này? Khi anh Tân mới đi làm là tự xin việc hay có nhận được sự hỗ trợ nào không ạ?

Đinh Xuân Tân, TOP 20 Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2015: Anh nghĩ công việc có tốt hay không tùy vào quan điểm của mỗi người. Theo anh thì lương cao không phải là một tiêu chí quyết định trong một công việc tốt, mà tốt ở đây còn nhiều yếu tố nữa, chẳng hạn như có nhiều cơ hội học tập để thăng tiến, bổ sung kiến thức cho bản thân, được thỏa sức sáng tạo, được làm việc theo hướng được ủy quyền, được tham dự không bị áp đặt, gò bó và mình là người chủ động sắp xếp và thực hiện những việc mình cần làm…

Khi mới đi làm thì anh được thầy giáo của anh giới thiệu về công ty anh đang làm việc bây giờ, sau đó anh nộp hồ sơ để được tuyển dụng đó là sự hỗ trợ mà anh nhận được. Sau đó, tất cả đều phải do anh thực hiện công việc bằng chính năng lực của mình cho đến hiện tại bây giờ, nên anh nghĩ chỉ có năng lực của chính mỗi người mới tạo nên một công việc tốt cho người đó.

*
Đỗ Văn Học, Bình Dương: Hoàn cảnh khó khăn như vậy, sao Hiếu không chọn một trường công an, quân đội hoặc sư phạm để được miễn học phí mà lại chọn Bách Khoa. Hiếu có mơ ước gì cho tương lai?

Bùi Trung Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Em cảm ơn anh Học đã gửi câu hỏi cho em. Em nhận ra mình đam mê ngành công nghệ thông tin từ khi bước chân vào trường THPT và em đã quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Tuy người nhà cũng có khuyên em vào các trường công an, quân đội để được miễn học phí. Nhưng đối với em, được theo đuổi ước mơ của mình là điều em mong muốn nhất và chỉ khi thực hiện được ước mơ đó em mới có thể phát huy được hết khả năng của mình.

Việc chọn trường còn ảnh hưởng tới cả tương lai mai sau của em, nên em đã chọn Trường ĐH Bách Khoa để có thể trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin như em mong muốn.

f
Trần Hữu Lộc, giảng viên khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh

* Quốc Việt: Việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành một xu hướng tất yếu của giới trẻ. Anh Lộc có nghĩ tới giải pháp nào để các bạn trẻ có thể tìm được việc làm tốt, an toàn thông qua mạng xã hội không?

Trần Hữu Lộc, giảng viên khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh: Các tổ chức đoàn thể thông qua các kênh chính thống có thể tạo ra các diễn đàn nhằm mục đích kết nối các bạn trẻ với doanh nghiệp và xã hội để tạo nhiều cơ hội để bạn trẻ tiếp cận với nhà tuyển dụng.

Ngược lại, các đơn vị sử dụng lao động cũng có thể thông qua các kênh này để tuyển dụng được nhân sự tốt phù hợp với nhu cầu.

Theo tôi, các tổ chức như Đoàn thanh niên ở các địa phương có thể thông qua mạng xã hội để kết nối thanh niên. Nhằm đưa các thông tin khoa học trong sản xuất, chính sách pháp luật và cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên.

* Hùng Vương: Hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường thì rơi vào tình trạng thất nghiệp. Vì thế, các bạn lựa chọn con đường học tiếp lên cao học để hy vọng có khả năng kiếm được việc làm cao hơn. Thế nhưng, khi học xong cao học, các bạn ấy vẫn thất nghiệp. Anh nhận định về thực trạng này như thế nào?

Trần Hữu Lộc, giảng viên khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh: Trước tiên để thành công trong sự nghiệp thì mọi người phải biết mình giỏi ở lĩnh vực nào và có đam mê làm việc gì và giám đi đến cùng với đam mê đó.

Khi xác định rõ ràng về điều này thì cái sự “học” sẽ rất là rõ ràng, chính xác phục phụ cho mục đích nghề nghiệp mà người đó chọn. Khi đó, người học sẽ biết mình sẽ học như thế nào và cần bổ sung kỹ năng kiến thức gì để có thể phục vụ tốt nhất cho công việc.

Nói tóm lại, để thành công trong nghề nghiệp, mỗi người cần biết mình phù hợp với việc gì, chủ động học tập ra sao và có thái độ chủ động cho cuộc đời của mình.

Xã hội hiện đại cần người làm được việc chứ không hẳn có nhiều bằng cấp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *