Đề án 600 Phó Chủ tịch xã trẻ: Góp sức làm thay đổi những vùng quê nghèo
16:07 05/01/2016
2027
Công tác giáo dục Gần 4 năm “thử lửa” trên vùng đất khó, những tri thức trẻ ưu tú được tuyển chọn tham gia Dự án “600 phó chủ tịch xã” tăng cường về các huyện nghèo đã và đang góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước làm đổi thay diện mạo những vùng quê còn nhiều gian khó.
Mô hình trồng cây dược liệu của anh Hoàng Đạt Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ái Thượng (Bá Thước). Ảnh: Thu Vui |
Dự án có 2 mục tiêu: Tăng cường trí thức trẻ có trình độ đại học về giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; thông qua việc chỉ đạo kinh tế – xã hội ở xã, cấp ủy, chính quyền theo dõi, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ này trở thành những cán bộ lãnh đạo và quản lý ở cơ sở. Thực hiện dự án, tỉnh ta có 60 trí thức trẻ được lựa chọn để phân bổ về làm phó chủ tịch xã thuộc 7 huyện nghèo, trong đó có 13 đội viên phụ trách lĩnh vực kinh tế, 47 đội viên phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội. Đến thời điểm này, mục tiêu thứ nhất đã cơ bản đạt được, bởi bằng tâm huyết, tài năng và những sáng kiến thiết thực, các đội viên của dự án đã có nhiều mô hình, đề án phát triển kinh tế – xã hội mang lại hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Tại huyện Bá Thước, vượt qua khó khăn về điều kiện sinh hoạt, rào cản về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, những chàng trai, cô gái thế hệ 8x đã mang theo năng lực, tâm huyết, niềm tin đến các xã khó khăn, xã 135 góp sức cùng cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc xây dựng cuộc sống mới ngày càng tươi đẹp. Với bản lĩnh và sức trẻ, anh Hoàng Đạt Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ái Thượng đã không ngại khó, ngại khổ tìm tòi, lặn lội đến từng thôn, bản trong xã để hiểu về cuộc sống của bà con. Mặc dù là phó chủ tịch phụ trách mảng văn hóa – xã hội nhưng ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn về khai trương làng văn hóa, trường học văn hóa…, Hoàng Đạt Mạnh còn triển khai thành công nhiều mô hình phát triển kinh tế ở địa phương, như: Mô hình trồng thử nghiệm 20 ha cây mía tím và được bà con nhân rộng lên 60 ha; mô hình nuôi cá trắm cỏ bằng lồng trên lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 với hơn 120 hộ tham gia, có thời điểm lên tới gần 300 lồng cá cho thu nhập; tham mưu thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản, hướng đến cung cấp con giống cho nhân dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, năm 2015, Hoàng Đạt Mạnh còn triển khai trồng cây dược liệu với 10.000 gốc đinh lăng và 13.000 cây cà gai leo. Hiện tại, anh đang tập trung nhân giống đinh lăng, cà gai leo và sẽ nhân ra diện rộng vào năm 2016… Những sáng kiến của phó chủ tịch xã trẻ Hoàng Đạt Mạnh đã đóng góp đáng kể vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của xã Ái Thương với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 56% năm 2012 xuống còn 20,57% năm 2015.
Còn tại huyện Lang Chánh có 6 đội viên về làm việc tại 6 xã, gồm: Giao Thiện, Giao An, Trí Nang, Đồng Lương, Quang Hiến và Lâm Phú… Để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của bà con dân bản và bắt nhịp ngay với công việc mới, anh Phạm Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Hiến (Lang Chánh) thực hiện phương châm “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Phương châm này, không những giúp cho anh hiểu được phong tục, tập quán và nét văn hóa của từng dân tộc đang sinh sống trên địa bàn mà còn tạo được tình cảm, niềm tin yêu của bà con đối với một “cán bộ dự án” phụ trách văn hóa – xã hội. Vì vậy, các đợt tuyên truyền, vận động bà con loại bỏ hủ tục trong ma chay, cưới hỏi do anh khởi xướng luôn nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo bà con. Ngoài ra, anh còn triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc xã Quang Hiến giai đoạn 2013 -2015” với 5/11 thôn trong đề án có đội văn nghệ, đội cồng chiêng, khua luống… Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa cũng đạt được kết quả ghi nhận với 100% thôn được công nhận là thôn văn hóa. Xã cũng được công nhận là xã văn hóa. Cùng với đó, chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách luôn đúng đối tượng, kịp thời và đầy đủ, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, gây bức xúc trong nhân dân…
Theo đánh giá của các huyện thực hiện dự án, các tri thức trẻ là những người có trình độ, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết với công việc và giúp được nhiều cho chính quyền địa phương. Đặc biệt, khi các đội viên của dự án về địa phương, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất của người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của cấp xã cũng có nhiều đổi mới. Ông Phạm Thế Duyệt, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bá Thước, cho biết: Gần 4 năm tăng cường 13 đội viên về làm phó chủ tịch các xã khó khăn, dù phụ trách ở lĩnh vực nào, họ cũng đều nỗ lực vượt khó, cố gắng hết mình đem trí thức và sức trẻ cùng chính quyền địa phương triển khai, thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho địa phương.
Mặc dù hầu hết đội viên của dự án đều được đánh giá là hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhưng tại đại hội đảng bộ các xã nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ có rất ít phó chủ tịch xã được bầu vào cấp ủy. Đơn cử như tại huyện Lang Chánh chỉ có 1 người, Bá Thước 1 người… Còn hơn 1 năm nữa là Dự án 600 sẽ kết thúc, câu chuyện “đầu ra” cho các phó chủ tịch xã tình nguyện đang là vấn đề được quan tâm bởi theo lãnh đạo các địa phương, đây là biên chế tăng cường thêm chứ không nằm trong biên chế cấp xã nên khi hết thời hạn của dự án, các địa phương không thể tiếp nhận các phó chủ tịch xã này vì đã đủ định biên. Hiện nay, tỉnh cũng chưa đưa ra hướng giải quyết mà đang chờ theo quyết định từ phía Trung ương. Thực tế này đang khiến nhiều đội viên băn khoăn, lo lắng cho tương lai của mình. Không biết họ sẽ đi đâu, làm gì khi thời hạn 5 năm kết thúc. Anh Hoàng Đạt Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ái Thượng, tâm sự: Khi dự án kết thúc, nếu không được ở lại làm việc, những mô hình, nhất là mô hình mới do tôi triển khai liệu có được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả. Tôi rất muốn tiếp tục làm việc tại đây để có thêm cơ hội rèn luyện, trưởng thành và cống hiến nhiều hơn nữa cho địa phương.
Tại thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, qua tiếp cận nhiều kênh thông tin chúng tôi được biết, hiện Bộ Nội vụ đang xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ theo hướng đối với tất cả những đội viên hoàn thành nhiệm vụ sẽ được cấp ủy hoặc chính quyền từ cơ sở xem xét, bố trí công việc phù hợp với trình độ, năng lực của từng đội viên, có thể trở thành công chức từ cấp xã trở lên. Nếu được như vậy, đây sẽ là động lực, là cơ hội để các đội viên tiếp tục chứng tỏ năng lực, đóng góp thiết thực cho đồng bào nơi các đội viên đến công tác.