Chuyện không vui của những người “cắm bản”
14:15 28/10/2015
1290
Công tác giáo dục 575 trí thức trẻ được đưa về làm phó chủ tịch (PCT) xã. Hầu hết những PCT xã trẻ chúng tôi gặp tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đều được chính quyền, cấp ủy đánh giá cao, người dân tin yêu, quý mến. Tuy nhiên, không ít người trong họ đang có tâm tư vì không được quy hoạch và cơ cấu vào cấp ủy.
Phó Chủ tịch xã Quế Sơn (Sơn Động, Bắc Giang) Trần Sỹ Trung (bìa phải) hướng dẫn thanh niên nuôi thỏ. Nhiều hộ dân Quế Sơn thoát nghèo nhờ dự án nuôi thỏ do anh Trung đề xuất. Ảnh: Xuân Tùng.
Được đánh giá cao nhưng không được cơ cấu
Từ thành phố Sơn La, phải vượt 65 cây số chỉ có thể đi bằng xe máy, nhiều đoạn đường sạt lở, trơn trượt như muốn văng cả người lẫn xe xuống vực thẳm, chúng tôi về xã Nặm Ét gặp Lê Thị Hương (sinh năm 1984). Đó cũng là cung đường nữ PCT xã trẻ đến với người dân nghèo và đi đi, về về khi tăng cường công việc ở huyện cũng như lên tỉnh.
Hương đi đến đâu cũng được bà con từ cụ già tới em nhỏ chào đón nhiệt tình, gọi trìu mến “chị phó chủ tịch”, “cô phó chủ tịch”. Dù được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội, nhưng Hương luôn đảm nhận cả 2 vai, kiêm thêm nội dung phát triển kinh tế với các dự án đã và đang được người dân thực hiện như nuôi cá lồng trong lòng hồ Thủy điện Sơn La với 30 hộ đang thoát nghèo và làm giàu nhờ dự án. Hương đã tổ chức đại hội thể dục thể thao, liên hoan văn hóa bản xã lần đầu tiên và duy nhất tại xã…
Kết quả đại hội Đảng cơ sở của 20 tỉnh thuộc phạm vi thực hiện Dự án 600 Phó chủ tịch xã có 153 đội viên Dự án đủ điều kiện và được giới thiệu tham gia cấp ủy. 153/153 đội viên (đạt 100%) trúng cử BCH Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2015 -2020, chiếm 26,6% trên tổng số 575 đội viên hiện đang công tác.
(Nguồn: Bộ Nội vụ)
Những trí thức trẻ tham gia dự án ở Sơn La ngậm ngùi giấu nỗi buồn đắng vào trong vì không được cơ cấu vào cấp ủy xã. Lãnh đạo Sở Nội vụ Sơn La khẳng định do “người tham gia dự án” (tức là các PCT xã) chưa đủ các điều kiện như công chức biên chế của xã, chưa phải là đảng viên… để có thể giới thiệu bầu vào BCH Đảng bộ cấp xã. Tuy nhiên, khi chúng tôi chất vấn, trước khi tham gia dự án, đã có 10 trí thức trẻ là đảng viên và đều được đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác hàng năm, ông Trần Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Sơn La lại nói, vẫn phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên và do các địa phương đã có đủ biên chế!
Theo số liệu Sở Nội vụ Sơn La cung cấp, ngoài 10 đảng viên trên còn có thêm 31 PCT xã được kết nạp đảng trong thời gian tham gia dự án, nâng tổng số đảng viên của dự án tại tỉnh lên 41 người. Tuy nhiên, trong 49 PCT xã ở Sơn La chỉ duy nhất có anh Hà Nguyên Nam (sinh năm 1988), Phó Chủ tịch UBND xã Hang Chú, huyện Bắc Yên được giới thiệu và bầu vào BCH Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2015-2020.
Trần Sỹ Trung (sinh năm 1982) cũng vậy, rời xa quê hương để nhận nhiệm vụ PCT xã Quế Sơn vùng khó khăn của huyện Sơn Động (Bắc Giang) khi con gái đầu lòng mới lên 2 tuổi. Trung ngủ trong phòng làm việc tại trụ sở UBND và ăn cơm ở nhà dân. Anh thuộc từng ngõ ngách ở xã và dẫn chúng tôi đi đến những nhà dân đang thực hiện các dự án nuôi thỏ và Quy trình xử lý nước, rác thải sinh hoạt bằng vòng tròn chuối. Với chuyên ngành kỹ sư Lâm nghiệp, Sỹ Trung phát hiện thêm giống cây dược liệu quý chè hoa vàng bản địa được săn lùng mua với giá cao. Hiện, Trung cùng người dân đưa cây chè sống ở vùng rừng núi về ươm trồng và đã có hơn 800 cây thuốc quý.
Trường hợp của Sỹ Trung khá đặc biệt. Theo kết quả chấm điểm, đánh giá phân loại đội viên dự án PCT xã hàng năm, Trung luôn được cấp ủy, chính quyền xã chấm điểm cao hơn mức bản thân Trung tự đánh giá, đạt gần điểm tuyệt đối. Anh nằm trong số trí thức trẻ đạt 100% kết quả đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương nơi công tác, được UBND huyện Sơn Động đánh giá là PCT xã tiêu biểu và được cử tham gia đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Hàn Quốc. Năm 2014, Trung được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của. Cho dù luôn được đánh giá rất tốt trong công tác nhưng tại Đại hội Đảng bộ cấp xã, Trung không trúng cử vào BCH Đảng ủy xã Quế Sơn!
Trớ trêu
Sau Đại hội Đảng bộ các xã, thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020, UBND các xã, thị trấn sắp xếp bố trí lại các chức danh chủ chốt trong đó có chức danh Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2011-2016. Tại xã Chiềng Ơn (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) cả 2 ứng cử viên tại chỗ vào chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã được duyệt cơ cấu để bầu đều không trúng cử!
Ông Nguyễn Hoài Thu, Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Nhai thừa nhận, 2 ứng viên này đều không đáp ứng được các yêu cầu của chức danh tương ứng. Điều quan trọng, họ không phải là những lãnh đạo được dân tín nhiệm. Do đó, hiện nay, ở xã Chiềng Ơn, Điêu Thị Nga (sinh năm 1988), trí thức trẻ Dự án 600 đang giữ vai trò PCT xã tăng cường trở thành lãnh đạo duy nhất của UBND xã. Nga được ủy nhiệm thực hiện quyền Chủ tịch cũng như trọng trách của 2 PCT, giải quyết toàn bộ công việc lãnh đạo của xã Chiềng Ơn. Vị nữ PCT xã trẻ tuổi đang nỗ lực vượt qua khó khăn, vất vả, một mình gánh trọn cả mấy vai, cho dù Đại hội Đảng bộ cấp xã vừa qua, cô không được cấp ủy cơ cấu bầu vào BCH Đảng ủy xã.
Theo Hướng dẫn số 819 tháng 9/2014 của Sở Nội vụ Sơn La về việc quy hoạch, bố trí, sử dụng đội viên Dự án 600 PCT xã tại tỉnh Sơn La: Đội viên trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và chức danh chuyên môn khác được bố trí, sử dụng theo các vị trí chức danh được quy hoạch. Khi điều động công tác phải đảm bảo các điều kiện: Có thời gian công tác tại các xã thuộc huyện nghèo của tỉnh Sơn La ít nhất 5 năm.
Trường hợp đội viên có thành tích xuất sắc hoặc có sáng kiến đổi mới trong quản lý được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận đồng thời được cơ quan có thẩm quyền dự kiến bố trí vào các vị trí công việc khác thì thời gian công tác tại các xã nghèo không được dưới 3 năm. Với quy định này, những đội viên của Dự án 600 PCT xã không được xem xét đưa vào quy hoạch và danh sách bầu cử đại hội Đảng bộ cấp xã.
(Còn nữa)