Chương trình Đối thoại thanh niên “Chính sách hoạt động tình nguyện – Tiếng nói người trong cuộc”

Chương trình Đối thoại thanh niên “Chính sách hoạt động tình nguyện – Tiếng nói người trong cuộc”

17:17 11/07/2016
    99

Công tác giáo dục   Sáng 11-7, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên (UBQGVTN) Việt Nam phối hợp Bộ Nội vụ, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Đối thoại thanh niên với chủ đề “Chính sách hoạt động tình nguyện – Tiếng nói người trong cuộc” với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là thanh niên tình nguyện, cán bộ đoàn, hội, đại diện lãnh đạo UBND các quận, huyện, các tổ chức tình nguyện…

 
QĐND Online –

Đồng chủ trì chương trình đối thoại gồm các đồng chí: Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm UBQGVTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ; Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.

Quang cảnh chương trình đối thoại.

Tại chương trình, các đại biểu khẳng định, ngày 16-11- 2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg về  Chính sách đối với hoạt động thanh niên tình nguyện của thanh niên, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016, thể hiện sự quan tâm cũng như ghi nhận đối với những đóng góp của hoạt động tình nguyện của thanh niên đối với sự phát triển của các địa phương, đất nước. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, vừa quản lý và nâng cao chất lượng các hoạt động tình nguyện. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhìn nhận, các bộ, ngành, địa phương cần có thêm văn bản để cụ thể hóa việc triển khai Quyết định 57 để phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động tình nguyện. Chẳng hạn, cần nêu rõ phát huy tính chuyên môn nghiệp vụ của thanh niên trong hoạt động tình nguyện, đa dạng các phương thức tình nguyện, chú trọng phát huy tính chủ động, tự giác của thanh niên trong tham gia hoạt động tình nguyện. Ngoài ra, các cấp cũng cần có quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền chứng nhận thành thích tình nguyện cho thanh niên, có hướng dẫn về hoạt động tình nguyện của thanh niên nước ngoài tại Việt Nam, cũng như thanh niên Việt Nam hoạt động tình nguyện tại các nước bạn…

Các đại biểu trò chuyện với thanh niên TP Hồ Chí Minh bên lề chương trình đối thoại.

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để chính sách hoạt động tình nguyện gắn với đời sống thanh niên, cũng như hiến kế xây dựng phong trào thanh niên tình nguyện của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2022. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên để cả xã hội ủng hộ, chung tay làm tình nguyện; hay việc tình nguyện phải nêu cao tính giáo dục, tuyên truyền về ý nghĩa xã hội, tạo môi trường rèn luyện thanh niên trưởng thành, khắc phục tính vụ lợi, hình thức trong hoạt động tình nguyện…

Kết luận chương trình, đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh: “Tình nguyện là phong trào tốt đẹp, mang tính nhân văn cao cả, thể hiện nét đẹp của tuổi trẻ nước ta đối với những phần việc, khó khăn của địa phương. Việc ra đời của Quyết định 57 không phải hành chính hóa các công việc tình nguyện mà góp phần nâng tính chuyên nghiệp của phong trào tình nguyện của các cấp. Trong đó, tổ chức Đoàn, Hội giữ vai trò dẫn dắt, làm cầu nối, “chất men” để định hướng, thúc đẩy hiệu quả của hoạt động tình nguyện. Thời gian tới, các cấp bộ đoàn khi tổ chức các phong trào tình nguyện cần gắn bó chặt chẽ với chính quyền, tổ chức đoàn địa phương để cùng có trách nhiệm trong hoạt động, tham gia quản lý, cũng như phát huy tốt hiệu quả các công trình, phần việc tình nguyện đã thực hiện tại địa phương”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *