Chàng thủ khoa chăm việc đồng áng

Chàng thủ khoa chăm việc đồng áng

08:15 06/09/2011
    3570

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Tới thôn Viên Lang xã Việt Tiến (Vĩnh Bảo) hỏi thăm nhà Phạm Mạnh Trường học sinh lớp 12A1 trường THPT Vĩnh Bảo, thủ khoa 29 điểm (10 điểm môn toán) khối A trường đại học Bách khoa Hà Nội, quả không khó, khi bây giờ bạn là “người của công chúng” – là niềm tự hào của cả xã.

Phạm Mạnh Trường ngoài cùng bên trái chụp ảnh cùng 2 thủ khoa khác của trường THPT Vĩnh Bảo
Phạm Mạnh Trường (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng 2 thủ khoa khác của trường THPT Vĩnh Bảo

Đi trên con đường trục chính của xã, đâu đâu cũng thấy râm ran câu chuyện thi đỗ đại học của con, em các hộ dân trong thôn, trong xã. Có người tự hào, mấy hôm nay xóm nào cũng thấy có nhà liên hoan con đỗ đại học, nghe tụi học sinh chúng nó lien hoan… mà sướng cả tai.

Dù xếp thứ hạng cao nhất trong kỳ thi đại học vào trường đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng Trường vẫn chưa hài lòng với thành tích đạt được. Tới nhà vẫn thấy bạn đang xoay trần bên chồng sách vở, với bút nháp, máy tính. Cảm nhận đầu tiên khi gặp Trường đó là cậu học trò thư sinh với cặp kính cận, cao, hơi gầy, có vẻ hiền lành, ít nói và hơi nhút nhát. Tìm hiểu tôi mới được biết Trường đang tranh thủ ôn lại kiến thức cũ để sắp tới nhập học sẽ đăng ký thi vào khoa Tài năng trẻ của trường đại học Bách Khoa Hà Nội. Tham vọng của cậu học trò trường huyện không chỉ dừng lại ở đó mà sau khi nhập học bạn sẽ cố gắng học tập để có thể “ẵm” một suất học bổng đi du học nước ngoài giúp bố mẹ bớt đi phần nào gánh nặng về kinh tế.

Nhà bạn có hai chị em, chị hiện đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Hàng Hải. Nhà có ít ruộng, bố Trường quanh năm đi làm thuê ở Hải Phòng để có tiền cho các con ăn học. Nhà lúc nào cũng chỉ có hai mẹ con Trường. Là con trai trong nhà, ngoài việc học bạn còn thường xuyên làm công việc nhà. Không chỉ vậy, Trường còn thường đỡ đần mẹ công việc đồng áng. Tâm sự Trường cho biết: “Gia đình làm ruộng, lúc rảnh rỗi em vẫn thường xuyên ra đồng tát nước, gặt, kéo lúa giúp mẹ. Nói thực nhiều hôm vào mùa gặt ngồi trong lớp, ngoài trời đổ mưa rào em chỉ muốn về giúp mẹ chạy rơm, chạy thóc, một mình mẹ em chạy mưa chẳng kịp”. Tuy, nhà cách trường 5km, có ngày đạp xe đi đi, về về  bốn, năm lần nhưng trong ba năm học cấp ba Trường không cho phép mình được nghỉ học, dù là buổi học thêm.

Chia sẻ về thời gian và phương pháp học bạn cho biết, ban ngày do không có nhiều thời gian em chủ yếu học về đêm và sáng. Khi đó không gian yên tĩnh nên khả năng tập trung cao tiếp thu bài sẽ nhanh hơn. Còn buổi tối em thích được ngồi xem thời sự trên tivi để mình không bị lạc hậu, thỉnh thoảng có thể “chém gió” với các bạn trong lớp.

Ở trên lớp, ngoài việc chú ý nghe thầy cô giảng, với em điều quan trọng nhất là đọc và làm bài tập ở nhà cả bài cũ và bài mới. Ngoài việc làm bài tập trong sách giáo khoa cũng cần kết hợp làm thêm bài trong sách nâng cao để làm quen với các dạng bài. Để học tốt theo Trường cần nhất vẫn là chăm chỉ,  không nên có tâm lý chủ quan. Nhiều khi đọc qua đầu bài thấy quen quen, nghĩ mình làm thạo rồi nên bỏ qua không làm, khi khác gặp lại dạng như vậy chưa chắc đã làm được cặn kẽ, chi tiết.

Nói về cách làm bài thi đạt điểm cao, Trường chia sẻ: “Ở phía dưới từng bài có phần chữ nhỏ mọi người thường ít khi chú ý tới. Những câu hỏi “ăn” điểm tối đa thường rơi vào những phần đó nên khi học không nên bỏ qua những chi tiết nhỏ đó. Không những vậy, trong thời gian học cũng nên sưu tập đề thi qua các năm thử  sức một cách nghiêm túc để thấy mình làm được bao nhiêu phần trăm để cố gắng hơn”.

Với sự chăm chỉ và phương pháp học tập khoa học, thành tích học tập của Trường thật đáng nể, 12 năm là học sinh giỏi toàn diện, giải nhì rồi nhất thi toán thành phố lớp 9 và lớp 12, giải nhất thi thử vào đại học do thành phố tổ chức. Không chỉ học giỏi các môn học tự nhiên mà Trường còn rất mê tìm hiểu các kiến thức xã hội, đọc tiểu thuyết, truyện trinh thám…

Ngày 1/9, Phạm Mạnh Trường vừa được nhận giải thưởng hoa Trạng nguyên tại Thủ đô và dự lễ tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu của thành phố Hải Phòng năm 2011, đối với Trường- cậu học trò trường huyện đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi giúp bạn vượt qua những khó khăn, vất vả trước mắt thực hiện ước mơ du học của mình. Còn đối người dân huyện Vĩnh Bảo “đặc sản”-  truyền thống hiếu học của người dân quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được lưu truyền qua nhiều thế hệ năm nay lại được những thủ khoa như Trường, Hòa, Hường và Quân những học sinh trường THPT Vĩnh Bảo nối dài thêm truyền thống quý báu của quê hương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *