Bình Định: Quy hoạch cán bộ từ Đề án 600 trí thức trẻ
09:16 20/11/2015
1681
Công tác giáo dục Sau 3 năm công tác tại cơ sở, có 17/20 đội viên Đề án 600 đã được quy hoạch vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy xã, Hội đồng nhân dân, UBND xã và phòng chuyên môn các huyện miền núi của tỉnh Bình Định.
Tỉnh Bình Định có 20 trí thức trẻ về nhận nhiệm vụ tại 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão. Sau 3 năm công tác thực tế tại địa phương, các trí thức trẻ này đã tạo được sức lan tỏa, trở thành những cán bộ chủ chốt trong bộ máy chính quyền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội ở các địa phương này, được quy hoạch vào cấp ủy và giữ những chức vụ cao hơn trong nhiệm kỳ tới.
Chỉ tay vào đống lúa đang xếp chồng trong góc nhà, ông Mai Văn Đẹn, đồng bào dân tộc Ba Na ở xã Canh Hiệp, huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định vui mừng khoe: năm nay không sợ đói giáp hạt, vì nhà đã có lúa để dành. Năm nay nhà ông trồng 4 sào lúa thu hoạch được 1,2 tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Nhờ đề án 600, người dân đã có của ăn của để |
Ông còn khoe mới làm xong cái chuồng bò, được che chắn bảo vệ kỹ để bò không bị rét khi mùa đông đang cận kề. Ông Đẹn cho biết: làm được thế này là nhờ cán bộ Trang, đội viên Đề án 600 được tăng cường về đây. Trước đây, bà con tự sản xuất giống lúa thuần, mỗi năm canh tác 1 vụ, thu chẳng được bao nhiêu lúa, luôn bị đói giáp hạt. Bò thì nuôi thả rông trên rừng, mùa đông thường chết rét. Từ khi có cán bộ Trang về hướng dẫn cách làm ăn, bà con rất vui mừng và mong muốn cán bộ Trang tiếp tục hướng dẫn bà con.
Ông Mai Văn Đẹn cho biết: “Về chăn nuôi, cán bộ Trang động viên làm chuồng trại đàng hoàng, rồi nuôi nấng tại nhà, tiêm phòng tiêm chủng đủ chu kỳ của nó và thấy nay bò cũng ít chết. Về vấn đề sản xuất, Trang cũng phổ biến vận động dân mình, nhiều bà con tham gia học tập đưa quy trình kỹ thuật của sản xuất. Cán bộ Trang còn phát huy thêm nữa giúp đỡ cho bà con mình, dân làng mình càng ngày càng giàu đẹp thêm nữa.”
Trong Đề án 600, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có 5 đội viên về làm Phó Chủ tịch UBND xã. Cũng giống như Trần Thị Trang, các đội viên Đề án đều phát huy được sức trẻ, kiến thức kinh tế xã hội, giúp bà con phát triển kinh tế bằng những mô hình cụ thể. Nhờ vậy, trong Đại hội Đảng bộ cấp xã vừa qua, các đội viên này được tín nhiệm quy hoạch vào cấp ủy và giữ chức vụ cao hơn. Cụ thể như đội viên Phan Trọng Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Hiển được quy hoạch chức danh Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Canh.
3 năm qua, 20 đội viên trí thức trẻ thuộc diện Đề án 600 ở tỉnh Bình Định đã phát huy được năng lực, hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo. 20 đội viên nhận nhiệm vụ ở các huyện như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão đã đưa ra hàng chục sáng kiến về mô hình, dự án phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với tập quán địa phương như: Đề án nuôi bò vỗ béo xã An Hưng, huyện An Lão; Trồng nấm bào ngư ở xã An Nghĩa, huyện An Lão…
Người dân đã biết làm chuồng bảo vệ trâu bò trong mùa đông |
Đây là những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực với bà con, tạo sức lan tỏa. Sau 3 năm công tác tại cơ sở, có 17/20 đội viên đã được quy hoạch vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy xã, Hội đồng nhân dân, UBND xã và phòng chuyên môn các huyện miền núi của tỉnh Bình Định.
Ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: tỉnh này xác định đây sẽ là nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã có chỉ đạo với các địa phương tiếp nhận phải coi đây là nguồn lực được cấp trên chi viện. Cũng đồng thời xác định phải coi đây là nguồn lực của địa phương, tạo mọi điều kiện để các em yên tâm cống hiến, thậm chí cống hiến lâu dài tại địa bàn. Qua chỉ đạo thì trong thời gian qua từ công tác quy hoạch cho tới Đại hội Đảng bộ các cấp các đội viên cũng được đưa vào quy hoạch, trúng cử và đấy là cơ sở để chúng tôi bổ nhiệm, không bị coi là nguồn bên ngoài, nằm ngoài chỉ tiêu”.
Lựa chọn những đội viên tiêu biểu phù hợp tham gia Đề án 600, tỉnh Bình Định đã tạo điều kiện để các trí thức trẻ phát huy năng lực của mình, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương miền núi./.