Biết trồng lúa nước nhờ cán bộ Khày

Biết trồng lúa nước nhờ cán bộ Khày

11:12 30/09/2015
    1518

Công tác giáo dục   Sau thời gian ngắn công tác, những cán bộ thuộc “Dự án 600 phó chủ tịch xã” đã vực dậy kinh tế địa phương, tạo được niềm tin lớn đối với đồng bào dân tộc vùng cao.

h
Cán bộ trẻ Chang A Khày hướng dẫn bà con xã Leng Su Sìn cách chăm sóc lúa nước

Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên Vừ A Bằng tâm sự: “Ở các tỉnh miền núi, đặc biệt là những khu vực giáp biên giới, rất cần đến sức trẻ như phó chủ tịch xã Chang A Khày (28 tuổi) – sau thời gian ngắn công tác đã vực dậy kinh tế địa phương, tạo được niềm tin lớn đối với đồng bào dân tộc vùng cao”.

Nghe vậy, từ TP Điện Biên Phủ chúng tôi tiếp tục đi thêm 260km đường đồi núi nữa để đến trụ sở xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) cách ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc 30km.

Chang A Khày, phó chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn, là một trong 30 phó chủ tịch của tỉnh Điện Biên nằm trong dự án 600 phó chủ tịch xã của Chính phủ. Địa bàn đồng chí Khày công tác là khu vực gần biên giới, dân di cư tự do đông nên là nơi phức tạp, nhạy cảm về tình hình an ninh quốc phòng.

Mặc dù chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý nhưng với sức trẻ, sự đam mê, cống hiến cho địa phương, đất nước, đồng chí ấy đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên VỪ A BẰNG

Không lo đói nữa

Nhìn vào thửa ruộng của gia đình mới làm cỏ xong, bà Giang O Dê (49 tuổi, người dân xã Leng Su Sìn) nói: “Người dân chúng tôi chịu ơn “cán bộ” Khày, có anh ấy giáo dục về nguồn lợi từ rừng nên bây giờ không ai đi đốt rừng như trước đây nữa. Bây giờ người dân nào chưa hiểu về cách trồng lúa nước và các cây hoa màu khác là cứ đến hỏi trực tiếp “cán bộ” Khày. Hai vụ vừa rồi được nhiều lúa hơn hẳn…”.

Chúng tôi tới trung tâm xã đúng vào lúc “cán bộ” Khày đang xuống các bản để tuyên truyền về công tác phòng cháy, bảo vệ rừng. Khày sinh ra và lớn lên ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Với mong ước thay đổi quê hương, phát triển kinh tế từ những dãy núi, quả đồi bạc màu, “cán bộ” Khày đã nộp đơn dự thi vào Trường ĐH Lâm nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, anh nhận công tác về Leng Su Sìn.

Khi chia sẻ về những khó khăn thời gian đầu về nhận nhiệm vụ, giọng Khày chùng xuống. Anh kể tại một số bản của xã, người dân vẫn còn sống theo kiểu du canh du cư. Anh là người dân tộc Mông, người dân trong xã lại chủ yếu là người Hà Nhì nên mới đầu về đây công tác, hai bên bị “bất đồng ngôn ngữ”.

Không hiểu tiếng bà con nên khi tuyên truyền những chính sách của Đảng, Nhà nước và kỹ

     Dự án 600 phó chủ tịch xã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 1-2011 và bắt đầu triển khai từ tháng 4-2011. Đây là dự án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo, đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1.
thuật trong lâm nông nghiệp anh gặp không ít khó khăn. Khi anh nói thì bà con có thể nghe được, tới lúc họ phản ảnh thì anh không hiểu. Có những hôm anh phải nhờ trưởng bản nói sõi cả tiếng Kinh và tiếng bản địa để phiên dịch hộ.

Hướng mắt về những quả đồi trọc cây mới mọc xanh trở lại, “cán bộ” Khày buồn rầu nói: “Địa hình của xã là đồi núi cao, không có cây chủ lực hay thế mạnh gì nên mới đầu về nhận công tác tôi cũng không biết phải định hướng bà con phát triển kinh tế thế nào. Người dân thì liên tục thiếu ăn vì cả năm chỉ trông chờ vào những bông lúa trên nương. Có những hôm khói tàn tro bay ngợp một góc trời vì nạn đốt rừng…”.

Nhưng rồi Leng Su Sìn bây giờ không còn cảnh chặt phá, đốt rừng bừa bãi nữa. Người dân đã biết trồng lúa nước, thêm vụ và trồng thêm nhiều cây hoa màu khác để tăng năng suất.

“Trước đây người dân ở bản không biết làm lúa nước, chỉ làm lúa trên nương nên năng suất thấp lắm. Cả năm chỉ làm một vụ nên năm nào cũng đói. Từ lúc có cán bộ Khày về hướng dẫn cách gieo, chăm sóc cũng như hạt giống thì nhà ai cũng nhiều lúa, không lo bị đói nữa…” – chị Sừng Sế Bư (30 tuổi, ở bản Phứ Ma) kể.

Thay đổi bộ mặt của xã

“Cán bộ” Khày đã lập gia đình và có một con gái nay tròn 1 tuổi. Trong thời gian tới anh cho biết mong muốn được tiếp tục ở lại xã để cùng bà con phát triển kinh tế. Trên đường đưa chúng tôi vào thăm những thửa ruộng mới được gieo sạ, “cán bộ” Khày nói nhiều đêm anh không ngủ được, trăn trở tìm mọi biện pháp để giúp người dân không phá rừng, chăm lo làm kinh tế.

“Đặc thù của xã nói riêng và huyện nói chung là dân di cư tự do vào rất nhiều. Mường Nhé lại là một điểm nóng về tình hình an ninh quốc phòng. Trong thời gian tới tôi sẽ cùng các cấp cố gắng sắp xếp ổn định dân cư. Bản thân tôi đang ấp ủ nhiều dự án để khai thác những thế mạnh đồi núi của địa phương. Có ổn định dân cư mới có thể phát triển kinh tế một cách bền vững được…” – Khày nói.

Bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn tên Sừng Sừng Khai vui mừng nói rằng: “Xã rất vinh dự được sự quan tâm của Chính phủ để đồng chí Khày về công tác với cương vị phó chủ tịch. Xã Leng Su Sìn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Mường Nhé.

Từ khi đồng chí Khày về nhận công tác, lãnh đạo xã đã họp và phân công đồng chí ấy phụ trách mảng nông lâm để phù hợp với chuyên ngành đã học. Đồng chí rất tâm huyết, rất nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc.

Đồng thời đồng chí có nhiều chương trình, đề án tham mưu với đảng ủy, chính quyền trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bản thân đồng chí là người trực tiếp lội suối, băng rừng vào tận các bản để gặp gỡ trao đổi với người dân về sản xuất nông nghiệp”.

Rồi Sừng Sừng Khai kết luận: “Đến bây giờ tổng diện tích lúa nước của toàn xã đã tăng lên hơn 40ha, làm thay đổi bộ mặt xã trong một thời gian chỉ hai năm trời. Đây là một sự cố gắng, không ngừng học hỏi của phó chủ tịch Khày. Vừa qua chúng tôi đã đề nghị cấp trên làm các bước quy trình để anh Khày tiếp tục công tác tại địa phương và thuyên chuyển đến các chức vụ cao hơn trong thời gian tới”.

k
Phó chủ tịch xã Bản Xen (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) Ninh Thị Kim Thảo (áo trắng) hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây chè san

“Mong muốn được góp sức nhiều hơn”

Đó là tâm sự của phó chủ tịch xã Bản Xen (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) Ninh Thị Kim Thảo (26 tuổi) khi chia sẻ về công việc của mình sau hơn hai năm công tác tại địa phương.

Kim Thảo là một thành viên xuất sắc của tỉnh Lào Cai trong dự án 600 phó chủ tịch xã của Chính phủ. Sinh ra và lớn lên ở Mường Khương, sau khi tốt nghiệp đại học Thảo đã đăng ký dự thi để trở thành thành viên của dự án.

“Trước đây, khi đăng ký để trở thành thành viên, tôi không nghĩ sẽ được về ngay chính địa phương để công tác. Từ lúc ngồi trên ghế nhà trường tôi luôn khao khát được đến những nơi khó khăn, cần nhiều hơn tới sức trẻ để công tác cũng như thử sức đối với chính bản thân mình” – Thảo nói.

Thời gian đầu chưa làm quen được với công việc, có những lúc Thảo muốn bỏ cuộc. Thế rồi, nhờ sự quan tâm của cán bộ địa phương và sự động viên của chính những người dân, Thảo đã có động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ một nữ phó chủ tịch xã khi chưa đầy 24 tuổi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *