Hai nhà khoa học nữ truyền lửa đam mê
09:03 14/02/2012
2539
Công tác giáo dục Có một điểm chung giữa 2 nhà khoa học nữ đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2011 là họ đều phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Song, ngọn lửa đam mê nghiên cứu của họ đã lan tỏa đến nhiều học trò, đồng nghiệp.
PGS-TS Lê Thị Thanh Nhàn từng nổi tiếng khi là PGS trẻ nhất nước được phong tặng học hàm này vào năm 2005, lúc mới 35 tuổi. Thế nhưng, nói về mình, chị lại rất kiệm lời.
Sinh năm 1970 trên mảnh đất nghèo Thái Nguyên, bố là bộ đội, đi chiến trường B, C rồi bị bệnh và mất sớm; mẹ là giáo viên phải lo toan cuộc sống hằng ngày cho gia đình 5 người con, PGS Nhàn từng có một tuổi thơ rất vất vả, thường xuyên phải nhịn ăn. Sau này, khi đã vào ĐH, chị vẫn phải ăn cơm độn sắn với canh lõng bõng nước. “Từ lúc ấy, tôi chỉ mơ ước làm sao có thể trở thành cô giáo dạy toán và thoát khỏi cảnh nghèo” – chị nhớ lại.
Không chỉ say mê truyền kiến thức cho học trò trên lớp, PGS-TS Nhàn còn dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu khoa học. Chị đã có gần 20 công trình nghiên cứu về toán đại số đăng trên các tạp chí của Hội Toán học Mỹ và châu Âu, hàng chục bài viết trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và thế giới. Nhiều viện toán học trên thế giới đã mời chị sang nghiên cứu.
Cuối năm 2010, PGS-TS Nhàn là một trong số ít nhà khoa học nữ tham dự Hội nghị Đại số giao hoán toàn Nhật Bản, rồi Hội thảo Nhật – Việt về đại số giao hoán tổ chức ở Hayama – Nhật Bản và cùng 6 người đọc báo cáo tại đây. PGS-TS Nhàn cho biết từ năm 2000 đến nay, năm nào chị cũng cố gắng bố trí đi nghiên cứu, báo cáo kết quả, tham dự hội nghị 3-4 tháng ở nước ngoài để cập nhật và tích lũy kiến thức. Chị cũng là chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước Môđun đối đồng điều địa phương và ứng dụng (năm 2009-2011); chủ nhiệm các đề tài cấp bộ Một số vấn đề cơ bản trong đại số giao hoán (2007-2008) và Dãy chính quy suy rộng và môđun đối đồng điều địa phương (2005-2006).
Sớm hơn cả PGS-TS Lê Thị Thanh Nhàn, ngay từ năm học lớp 1, PGS-TS Vũ Thị Thu Hà đã mơ ước trở thành một kỹ sư đầu đội mũ cứng, mặc đồ bảo hộ lao động hoặc nhà nghiên cứu với chiếc áo blouse trong phòng thí nghiệm. Vì thế, chị quyết tâm thi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, dù đó là ngôi trường vốn chỉ dành cho sinh viên nam.
“Năm 1999, khi trở về, tôi bị sốc vì môi trường làm việc ở Việt Nam khác hoàn toàn so với Pháp, phòng thí nghiệm quá lạc hậu. Khoảng cách khá lớn giữa điều kiện nghiên cứu cũng như những khó khăn nhất định trong việc tìm hướng nghiên cứu, nguồn tài trợ nghiên cứu đã thúc đẩy tôi quay trở lại Pháp thực tập sau tiến sĩ vào năm 2001. Dù khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi có ý định ở lại Pháp mà luôn muốn quay về cống hiến cho quê hương” – PGS-TS Hà bộc bạch.
Năm 2003, khi chị trở về, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam bắt đầu triển khai dự án xây dựng Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu. Lãnh đạo viện đã kỳ vọng và giao cho chị trách nhiệm lớn tại phòng thí nghiệm này.
Trong suốt 20 năm công tác tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, vừa nghiên cứu khoa học vừa đào tạo sau ĐH trong lĩnh vực công nghệ xúc tác, lọc, hóa dầu, PGS-TS Hà đã chủ trì 19 đề tài và tham gia 12 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp Nhà nước, bộ và tập đoàn. Chị đã nghiên cứu thành công nhiều quy trình công nghệ như: sản xuất nhiên liệu sinh học, sorbitol, vật liệu xúc tác dị thể cấu trúc nano, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ phát triển bền vững.
Theo PGS-TS Hà, nhu cầu về dung môi tại Việt Nam rất lớn, khoảng vài trăm ngàn tấn mỗi năm và phải nhập ngoại gần như hoàn toàn. Hơn nữa, lâu nay ngành công nghiệp vẫn quen với các dung môi nguồn gốc hóa thạch, trong khi dung môi nguồn gốc thực vật có nhiều ưu điểm hơn, như khả năng hòa tan tốt, ít bay hơi, không bắt cháy, không ảnh hưởng đến sức khỏe, có khả năng phân hủy sinh học.
Nhận thấy điều đó, nhóm nghiên cứu của chị tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam và nhóm của Viện Nghiên cứu quá trình xúc tác của Pháp đã đề xuất đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất dung môi sinh học từ các nguồn nguyên liệu tái tạo. Đối tác Pháp cũng chính là nơi chị làm luận án tiến sĩ và là viện nghiên cứu đã giúp Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam thực hiện dự án xây dựng Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu.
Đề tài bắt đầu triển khai từ năm 2008, sau 2 năm, nhóm của PGS-TS Hà đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất hỗn hợp dung môi sinh học với thành phần chính là metyl este dầu thực vật và este etyl lactate từ các nguồn nguyên liệu nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu đã được đăng ký độc quyền sáng chế tại Pháp, sau đó trên toàn thế giới. Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp đã đồng ý bỏ kinh phí để đăng ký độc quyền sáng chế này vì nó thu hút được sự quan tâm của nhiều hãng công nghiệp.
Dưới sự điều hành của PGS-TS thế hệ 7X này, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ hóa lọc dầu được đánh giá là một trong những phòng thí nghiệm tiên tiến, hoạt động hiệu quả nhất hiện nay. PGS-TS Hà cho biết lúc nào chị cũng phải nghĩ điều gì đó trong đầu. Nguyên tắc của chị là khi đã đến cơ quan thì chỉ nghĩ đến công việc. “Nhưng ngược lại, khi về nhà, đáng lẽ phải nghĩ nhiều về gia đình thì đôi lúc tôi lại toàn nghĩ về công việc nghiên cứu khoa học” – chị tiết lộ.
Theo PGS-TS Hà, không phải ý tưởng nào chị đưa ra cũng được chấp nhận, không phải thực nghiệm nào cũng thành công nhưng chị không dành thời gian cho sự chán nản. “Tôi và các cộng sự luôn suy nghĩ để làm lại, rút kinh nghiệm nhằm làm việc tốt hơn. Thật may, lửa đam mê của tôi đã lan tỏa, ảnh hưởng đến các nhân viên trẻ trong phòng thí nghiệm” – chị Hà hào hứng.
Là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học – ĐH Thái Nguyên, PGS-TS Lê Thị Thanh Nhàn luôn bận rộn với công việc quản lý, họp hành. Tuy nhiên, chị cũng cố gắng dành thời gian cho việc giảng dạy trên lớp. Nói về cô giáo của mình, một sinh viên Khoa Toán – Tin Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên bày tỏ: “Thật lãng phí 4 năm học nếu như sinh viên chưa từng một lần trò chuyện, gặp gỡ với người thầy đáng kính và rất giản dị này. Ấn tượng lần đầu của cô với sinh viên không phải vì học hàm, học vị mà là do cách cô cư xử với học trò, thân mật và ấm áp… Cô nhiệt tình, thẳng thắn và luôn có cái nhìn tổng quát về mọi việc”.