Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ: Trí thức trẻ với những mô hình giúp xã nghèo
11:37 02/10/2013
2168
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Đều là Phó Chủ tịch xã thuộc Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ở nhiều tỉnh khác nhau, mỗi Phó Chủ tịch xã đã có những chia sẻ về công việc của mình trong thời gian gắn bó tại nơi đây.
Đây là đề án được Đội viên Nguyễn Thái Sơn đề xuất triển khai tại xã khi về nhận nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch xã Long Cốc, Huyện Tân Sơn,Phú Thọ.
Toàn xã Long Cốc có 8 thôn với 3.269 nhân khẩu, trong đó 02 thôn xa nhất cũng nằm cách trung tâm của xã khoảng 4 km. Phát triển kinh tế của xã nói chung vẫn chủ yếu là dựa vào kinh tế nông, lâm nghiệp.
Theo đó, diện tích đất nông nghiệp là 1.800 ha, thì cây chè đã chiếm 365 ha và ít hơn là diện tích cấy lúa 101 ha. Với đặc điểm và điều kiện còn nhiều khó khăn của xã nên phát triển kinh tế đối với bà con nhân dân (chiếm 93,3% là người dân tộc Mường) nơi đây quả thật là còn gặp rất khó khăn (30,5% hộ nghèo).
Bằng tâm huyết và sự quyết tâm của tuổi trẻ, Thái Sơn đã tiến hành triển khai đề án thông qua khảo sát trước ở trong xã, nắm bình tình hình chăn nuôi cũng như hộ chăn nuôi có diện tích rộng và hiện có lao động làm việc để qua đó bình xét triển khai thực hiện đề an của mình.
10 hộ gia đình trong xã đã đồng tình, ủng hộ và cam kết tham gia thực hiện đề án của Thái Sơn là kết quả thành công bước đầu mang lại sau nhiều ngày trăn trở, tâm huyết mà Thái Sơn đeo bám giúp Sơn như yên tâm hơn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch xã Long Cốc Nguyễn Thái Sơn cho biết, trong quá triển khai thực hiện đề án phát triển chăn nuôi lợn rừng lai tôi đã gặp phái khó khăn, nhất là về kinh phí. Tôi đã phải lồng ghép với chương trình 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới và đến thời điểm hiện tại, đề án đã được thực hiện.
“Qua thời gian công tác tại xã, tôi rút ra kinh nghiệm là triển khai bất cứ nội dung nào cũng cần có sức mạnh của quần chúng, khi về công tác tại xã mình phải làm gương cho mọi người, là người tiên phong thì mới làm tốt nhiệm vụ được giao” – Phó Chủ tịch xã Long Cốc Nguyễn Thái Sơn chia sẻ.
Trí thức trẻ Yên Bái hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước cho bà con |
Mô hình trồng Mía cao sản trên địa hình 15 độ dốc
Lê Văn Thiện, sinh năm 1984, quê ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, được phân công về làm Phó Chủ tịch xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa và được phụ trách mảng Văn hóa – xã hội của xã từ tháng 10/2012.
Thời gian đầu về công tác, Thiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, với tuổi đời còn trẻ, lại chưa có nhiều hiểu biết về phong tục tập quán của người dân, chưa quen đường rừng… nên việc chỉ đạo công việc còn hạn chế. Nhưng sau một thời gian, với lòng nhiệt tình và tâm huyết muốn giúp bà con bớt khó khăn, vất vả, Thiện đã tạo được niềm tin, sự quý mến, ủng hộ của bà con nơi đây.
Qua nghiên cứu đặc điểm tình hình của địa phương có diện tích tự nhiên trên 7.000 ha lại sẵn nguồn hoa dồi dào, Thiện đã đề xuất với lãnh đạo xã được xây dựng 2 mô hình trồng mía và nuôi ong mật.
Theo đó, Thiện đã xây dựng thử nghiệm 2 mô hình trồng mía cao sản trên địa hình 15 độ dốc với gần 10ha và ban đầu đã cung cấp được cho Nhà máy đường Lam Sơn. Còn với mô hình nuôi ong đã được triển khai tại 3 hộ và bước đầu đã cho thu nhập đối với các hộ.
Mô hình xây dựng nhà trưng bày truyền thống
Không giống như nhiều đội viên khác trong việc chọn đề án phát triển kinh tế cho bà con, đề án “Xây dựng nhà trưng bày truyền thống kết hợp thành lập CLB Sình ca của người dân tộc Cao Lan, thôn Lái, xã An Bá” đã được trí thức trẻ La Thị Hằng – Phó Chủ tịch xã An Bá, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang bảo vệ thành công trước Hội đồng của tỉnh.
Nói về lý do chọn đề án, Hằng cho biết, xã An Bá có 70% dân số là dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người dân tộc Cao Lan. Dựa trên các đặc điểm tình hình văn hóa xã hội ở địa phương, nên tôi đã có sáng kiến thực hiện đề án để bảo tồn và phát triển những bản sắc dân tộc.
Hằng cho biết thêm: “Tôi được phân công về xã làm việc và phụ trách mảng Văn hóa – xã hội. Đây là lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành mà tôi đã được học trong trường Đại học, nhưng trong thực tế tôi thấy có rất nhiều khó khăn còn phải vượt qua”.
Ngoài đề án, nữ Phó Chủ tịch xã nghèo này còn xây dựng và thực hiện mô hình “Kiểm tra và củng cố góc học tập của học sinh tiểu học và trung học trong xã”.
Mô hình gồm hai nội dung chính: Thứ nhất, thành lập Ban chỉ đạo xã và các tiểu ban ở thôn để tiến hành việc kiểm tra học tập tại nhà của các em học sinh. Thứ hai, tiến hành khảo sát và kiểm tra hiện trạng góc học tập của học sinh, từ đó hỗ trợ các em về trang thiết bị học tập.
Ban chỉ đạo của xã đã thành lập Quỹ mang tên “Góc học tập cho em” thông qua việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ về vật chất và hiện vật như bàn, ghế, đèn học…
“Những em nào thiếu trang thiết bị học tập và thuộc diện hộ gia đình đặc biệt khó khăn thì Quỹ sẽ tài trợ giúp các em” – La Thị Hằng cho biết.
Một bài hát đã có câu “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai, …”, và đối với các trí thức trẻ Dự án 600 hôm nay đã chọn nơi gian khó là đã quyết tâm để thử sức mình và tự khẳng định mình.
Hãy tin tưởng và tiếp lửa thêm cho lòng nhiệt huyết, tinh thần hăng say mong muốn được cống hiến của những trí thức trẻ đã không quản nắng mưa, sớm tối, đã và đang chung sức cùng với bà con các địa phương vượt khó đi lên, xây dựng làng bản ngày càng ấm no, hạnh phúc.