Thí sinh khuyết tật và ước mơ trở thành nhà báo
15:50 09/07/2014
875
Công tác giáo dục Chỉ có một chân, mọi việc đi lại đều phải nhờ mẹ và chiếc nạng gỗ, nhưng Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1996, Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn luôn nỗ lực và cố gắng, thực hiện ước mơ trở thành tân sinh viên ngành Báo chí đa phương tiện, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Đến ký túc xá của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong buổi chiều ngày cận thi đại học đợt 2, tôi không khó để tìm được phòng 106, nhà E2 nơi cậu học trò Nguyễn Văn Thắng cùng mẹ đang ở để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Nhìn em vui vẻ, tự tin trò chuyện cùng các thí sinh khác, ít ai biết Thắng đã từng tự ti thế nào về cơ thể của chính bản thân mình.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc thôn Xuân Sen, xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội, ngay từ khi ra đời Nguyễn Văn Thắng đã phải chịu thiệt thòi khi em chỉ có một chân. Thương con lọt lòng đã bị khiếm quyết về cơ thể, gia đình Thắng đã phải chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho em nhưng không được kết quả gì. Cô Đàm Thị Tuyết, mẹ em xúc động nhớ lại “Lúc sinh Thắng ra, một bên chân của em phát triển không bình thường. Nó nhỏ hơn chân còn lại và quặp vào bên trong rồi dần dần teo lại. Ban đầu gia đình cho cháu nằm Bệnh viện Nhi Trung ương, rồi nhờ đến các bác sĩ ngoài… Cứ ai mách đi đâu là tôi lại đưa cháu đến đó nhưng cái mà gia đình nhận được chỉ là những cái lắc đầu vô vọng”.
Sự tự tin, lạc quan của Thắng luôn khiến người đối diện phải khâm phục |
Càng lớn, Thắng càng ý thức được sự khiếm quyết của mình so với các bạn đồng trang lứa. Vì thế, em luôn mặc cảm về bản thân. Đến tuổi tới trường, Thắng kiên quyết không đi học vì bạn bè trêu chọc. Hiểu và thương con nhưng gia đình vẫn cố tìm đủ mọi cách động viên em tới lớp để học được kiến thức, có niềm vui với sách vở.
Vậy là dù nắng hay mưa, hàng ngày, cô Tuyết đều cõng con trai đi học. Những hôm Thắng đi học thêm, cô Tuyết đi tới 3-4 lượt, cứ đưa con đến trường rồi lại quay về nhà làm việc. Đó là chưa kể những ngày ôn thi tốt nghiệp và đại học cô Tuyết phải thường xuyên túc trực bên con vì sợ sức khỏe của em không đảm bảo.
Thương mẹ vất vả, Thắng đòi tập đi xe đạp để có thể tự mình đến trường, nhưng mỗi lần thử là mỗi lần vấp ngã. Chứng kiến con không biết bao nhiêu lần ngã xe, cô Tuyết kiên quyết không để em tập đi xe đạp nữa. Thương mẹ là vậy nhưng với tâm lý lúc nào cũng nặng trĩu vì mình là một người khuyết tật, Thắng đã không ít lần khiến gia đình lo lắng. Thắng chia sẻ: “Có một thời gian dài em rơi vào tình trạng mặc cảm về bản thân, thiếu niềm tin vào cuộc sống. Thậm chí nhiều lần em còn trốn học đi chơi game online để tìm niềm vui vì nghĩ rằng chỉ trong game online em mới được là người bình thường”.
Thấy con học hành sa sút, biết con thường xuyên trốn học đi chơi, bố mẹ Thắng rất buồn nhưng không nặng lời với em. Cô Tuyết tâm sự: “Em sinh ra đã kém may mắn hơn những đứa trẻ khác vì thế gia đình chỉ biết động viên chứ chưa bao giờ to tiếng, đánh mắng gì. Rất may, sau nhiều lần như vậy, Thắng cũng hiểu ra và quyết tâm quay trở lại với việc học đồng thời chọn cho mình khối C để dự thi đại học‘’.
Ước mơ làm một phóng viên đa phương tiện
Bỏ lại tuổi thơ không êm đềm, giờ đây Nguyễn Văn Thắng đã là một con người khác. Qua trò chuyện, Thắng tỏ ra là một chàng trai mạnh mẽ và lạc quan với nụ cười tươi rói luôn thường trực. Năm nay, Thắng đăng ký dự thi vào ngành Báo chí Đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chia sẻ về lý do chọn ngành Báo chí, Thắng cho biết, trong các khối học thì em thích học khối C nhất, hơn nữa với việc đi lại khó khăn, làm việc với máy tính sẽ khiến em có ích hơn cho gia đình và xã hội.
Để thực hiện được ước mơ của mình, Thắng tâm sự, em chủ yếu mua sách về nhà tự ôn, chỗ nào không hiểu thì hỏi các thầy cô, nhưng quan trọng nhất là mình cần có cách học hợp lý với từng môn học cụ thể và đây chính là lý do em luôn cố gắng học hỏi các bạn trong lớp vì từ đó mình có thể rút ra được những cách học hiệu quả.
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đại học, sáng 6/7, hai mẹ con Thắng đã đi xe bus lên Cầu Giấy (Hà Nội) để tìm nhà trọ. Điều khiến cô Tuyết lo lắng nhất là cô ít ra phố, đường xá không biết, chỉ sợ xuống muộn rồi không tìm được chỗ ở. Rất may khi xuống đến trường thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hai mẹ con đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn sinh viên tình nguyện. Biết được hoàn cảnh của cô và sự đi lại khó khăn của Thắng, Ban Quản lý Ký túc xá đã bố trí cho 2 mẹ con ở ngay tầng 1 để tiện cho việc sinh hoạt. Cô Tuyết xúc động: “Thật may mắn cho mẹ con tôi khi gặp được các bạn sinh viên tình nguyện, nhờ các bạn mà chúng tôi không phải thuê trọ ngoài, nơi ở khá gần điểm thi, thuận tiện cho việc đi lại của Thắng”.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Thắng cười nhẹ: “Giờ mong muốn duy nhất của em là đỗ được đại học để không phụ lòng cha mẹ. Rồi sau đó tìm được một công việc phù hợp với khả năng cũng như sức khỏe của mình để có thể đỡ đần và báo hiếu cho cha mẹ suốt những năm tháng đã vất vả vì em’’./.