Bế mạc Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015
11:05 28/09/2015
990
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Tối 26/9/2015, tại Nhà hát Trưng Vương thành phố Đà Nẵng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Lễ Bế mạc Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015.
Hội giảng năm nay đã thu hút được 56 tỉnh, thành phố tham gia, với 236 bài giảng tích hợp của 41 nghề, tập trung vào các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vừa phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại như nghề: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Hàn, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính, Quản trị mạng máy tính… Hội giảng đã chứng kiến sự tỏa sáng “nghệ thuật” sư phạm thông qua việc kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học mới, hiện đại, tạo nên môi trường học tập tích cực, sinh động, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Tiêu biểu như thầy Hoàng Anh Quý, Trường CĐN Cơ điện và Công nghệ thực phẩm Hà Nội với nghề Kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính; thầy Hồ Sỹ Khương, Trường CĐN cơ khí Nông nghiệp Vĩnh Phúc với nghề Hàn. Nhiều bài giảng đã thành công trong việc áp dụng công nghệ mới; ứng dụng thành thạo, hiệu quả công nghệ thông tin, các phần mềm mô phỏng vào việc minh họa các kỹ năng khó, đòi hỏi tiêu chuẩn, độ chính xác cao tạo nên sức hấp dẫn đối với người học, nâng cao hiệu quả giờ giảng, giúp cho người học tiếp thu dễ dàng như bài giảng của thầy Phạm Văn Đôn, Trường CĐN Kỹ thuật công nghệ với nghề Điện tử công nghiệp; bài giảng của thầy Bùi Thái Sơn, Trường CĐN Yên Bái với nghề Điện công nghiệp. Một số bài giảng sử dụng thiết bị dạy nghề tự làm phù hợp với thực tiễn, có tính sáng tạo, đạt hiệu quả cao như bài giảng của cô Nguyễn Thu Hà, Trường CĐN Tp. Hồ Chí Minh với nghề Điện tử công nghiệp; bài giảng của thầy Lê Văn Toàn, Trường Trung cấp nghề – Giáo dục thường xuyên Hồng Ngự với nghề Nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTXH cho các thầy cô đạt giải Nhất |
Trong những ngày diễn ra Hội giảng, đã có 02 hội thảo được tổ chức, có nhiều đại biểu đến từ nhiều địa phương, cơ sở dạy nghề trên cả nước, nhiều đại biểu quốc tế tham dự đã cùng trao đổi kinh nghiệm về phát triển dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng. Nhiều góc tiếp cận mới, nhiều ý tưởng thú vị đã được gợi mở từ các chuyên gia trong và ngoài nước, các cơ sở dạy nghề. Các đại biểu tham dự Hội giảng và các hội thảo đã có dịp được tham quan các gian trưng bày thiết bị dạy nghề, phòng giảng tích hợp của doanh nghiệp. Nhiều hoạt động giao lưu khác đã được tổ chức để lại dấu ấn đẹp, có ý nghĩa sâu.
Sau 6 ngày tranh tài, Hội giảng đã lựa chọn được: 01 bài giảng điển hình về ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả; 01 bài giảng về sử dụng thiết bị dạy nghề tự làm hiệu quả nhất; 15 bài giảng toả sáng về kỹ năng nghề và phương pháp sư phạm của 15 giáo viên trẻ tuổi; 84 giáo viên đạt giải khuyến khích; 45 giáo viên đạt giải Ba, 30 giáo viên đạt giải Nhì, đặc biệt có 15 giáo viên đạt giải Nhất.
Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng các đoàn, các thầy cô giáo đạt giải trong Hội giảng năm nay. Phó Thủ tướng cũng biểu dương thành tích của ngành dạy nghề trong những năm qua, đó là: mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng và phân bố tương đối hợp lý trên các vùng, miền đất nước; quy mô đào tạo ngày càng tăng; chất lượng và hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến tích cực, đào tạo nghề đã gắn với nhu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Dạy nghề cho lao động nông thôn đã được chú trọng. Việc Việt Nam đạt thành tích cao trong kỳ thi tay nghề ASEAN và Thế giới vừa qua là một mốc dấu quan trọng trong quá trình phát triển đào tạo nghề của nước ta và đáng chú ý kết quả kỳ tuyển sinh đại học và cao đẳng vừa qua cũng cho thấy những chuyển biến tích cực trong nhận thức của xã hội đối với đào tạo nghề. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Thời gian tới, để đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các thầy giáo, cô giáo trong toàn ngành nỗ lực hơn nữa, luôn luôn trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, phát huy sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy nghề. Công tác dạy nghề cần được tập trung đầu tư, phát triển với quy mô, cơ cấu ngành nghề hợp lý và đặc biệt cần nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Bằng khen của TW Đoàn cho các thầy cô giáo trẻ đạt giải tại Hội Giảng |