Tri thức trẻ, khoa học trẻ góp sức phát triển công nghệ, ứng dụng trong thời kỳ hội nhập quốc tế
22:30 12/12/2015
1433
Công tác giáo dục Web.ĐTN: 67 đại biểu là những tri thức trẻ, nhà khoa học trẻ tài năng đã có buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển khoa học, công nghệ, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ; Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban dân vận Trung ương Đảng và Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn.
Đ/c Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (bên trái) và PGS.TS Phan Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đồng chủ trì diễn đàn |
*Thay đổi để tạo sự phát triển cho các nhà khoa học trẻ
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia một số Hiệp ước quốc tế, không chỉ tạo ra cơ hội mới mà còn tạo ra nhiều thách thức mới đối với thế hệ trẻ nước nhà. Trong thời đại hiện nay vấn đề cạnh tranh về khoa học và công nghệ giữa các nước đã tạo ra môi trường và động lực thúc đẩy các nhà nghiên cứu trẻ tìm tòi và khám phá những công nghệ, ứng dụng mới, đóng góp cho nền phát triển kinh tế-xã hội và công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Đặt kỳ vọng vào những tri thức trẻ, nhà khoa học trẻ tài năng, đồng chí Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ phát biểu tại diễn đàn đã đặt ra 03 vấn đề trong thời kỳ hội nhập để các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra giải pháp, đó là: Nguyên nhân người Việt Nam có trí tuệ, nhưng đất nước không phát triển nhanh như kỳ vọng; những tri thức trẻ và tài giỏi không có nhiều người tham gia vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, trong khi cơ quan quản lý nhà nước rất cần các bạn trẻ giỏi; những người đi học nước ngoài không muốn trở về nước công tác.
Đ/c Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn (bên trái) gợi ý các nhà khoa học trẻ có thể tham gia vào các nhóm nghiên cứu để được hỗ trợ tốt hơn và có nguồn lực tài chính ổn định |
Chia sẻ với các đại biểu, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng, các văn bản, chính sách dành riêng cho phát triển khoa học công nghệ được ban hành quá chậm trễ so với sự phát triển của xu hướng hiện nay. Có những chính sách đã ban hành từ rất lâu nhưng chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, nên các nhà khoa học, nghiên cứu trẻ chưa được hưởng lợi từ những đãi ngộ trong chính sách.
Trăn trở từ lâu, anh Bạch Long Giang (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP Hồ Chí Minh) đã đề xuất tại diễn đàn việc xây dựng các Trung tâm nghiên cứu đề tài. Theo anh Giang, hiện nay việc sử dụng các cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa có cơ chế và sự đồng nhất nên đã gây tốn kém và tạo khó khăn khi các nhà khoa học trẻ muốn thực hành thí nghiệm hoặc nghiên cứu đề tài của riêng mình. Ngoài ra, đại biểu này cũng cho rằng, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đề tài và công nghệ hóa quy trình thanh quyết toán vốn phức tạp như hiện nay.
Anh Vũ Mạnh Hà (Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang) chia sẻ khi về công tác ở các huyện, xã nghèo, a Hà nhận thấy bà con rất cần các nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế.
Anh Hà trao đổi, các nhà khoa học trẻ có thể trực tiếp về khảo sát tại các huyện, xã nghèo để nghiên cứu các ứng dụng đưa vào thực tiễn cuộc sống. Dịp này, anh Hà đề xuất với Bộ Khoa học & Công nghệ có thể giới thiệu và chuyển giao một số những ứng dụng phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương của tỉnh Hà Giang.
Anh Dương Trọng Hải (Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) là người từng nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc về vấn đề các nhà khoa học trẻ cần nhận thức và phân biệt rõ ràng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào phục vụ xã hội. Anh Hải cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, anh nhận thấy mình và nhiều nhà nghiên cứu trẻ đã quá mải mê theo đuổi để hoàn thành các bài báo được chứng nhận ISI mà không áp dụng được vào thực tiễn. Trong khi đó, một ứng dụng thực tiễn còn quan trọng hơn hàng trăm bài ISI thì chỉ nằm trên giấy.
Anh Dương Trọng Hải – Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh |
Nhà khoa học trẻ Phạm Văn Phúc (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định, nhiều cán bộ khoa học trẻ sau khi tốt nghiệp tại nước ngoài không về nước vì họ được đào tạo ở nước ngoài là để phục vụ nghiên cứu ở nước ngoài. Trong khi về nước, những đề tài nghiên cứu sẽ không phù hợp với môi trường và sự phát triển tại Việt Nam.
“Cần định hướng trước về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực khoa học trẻ tương lai học tập và nghiên cứu về những lĩnh vực có thể áp dụng được tại quê hương hoặc cần phải “mài rũa” nghiên cứu tại nước bạn sao cho phù hợp với đất nước mình”, anh Hải nói.
Ngoài ra, anh Phúc cũng bày tỏ lo lắng về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế, tuy rằng đã có những cơ chế nhưng chưa đủ mạnh mẽ, không rõ làm thế nào để phát hiện ra người khác sử dụng sở hữu trí tuệ của mình và không biết cơ quan thực thi, bảo vệ quyền lợi cho nhà khoa học trẻ đăng ký quyền bảo hộ.
Riêng anh Vũ Minh Điền (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) đề nghị, các bộ, ban, ngành cần giảm bớt những chi phí hành chính, không liên quan đến nghiên cứu; quy định mức lương tối đa và tối thiểu để khuyến khích những người làm hiệu quả hơn chứ không đánh đồng như hiện nay. Việc phong học hàm, học vị phải gắn với trách nhiệm liên tục tránh trường hợp đã đạt được học vị tiến sỹ thì trong nhiều năm không nghiên cứu, không có ứng dụng về khoa học công nghệ.
Tiến sĩ Vũ Thị Ngân (Đại học Quy Nhơn, Bình Định) đưa vấn đề du học sinh Việt Nam tại nước ngoài thường rất chăm chỉ và có ý chí phấn đấu. Tuy nhiên đạt được học vị tiến sĩ mới chỉ là hoàn thành nghiên cứu nhỏ và thường chưa có đủ bản lĩnh nghiên cứu.
Chị Ngân đề nghị, nên tạo cơ hội để họ được rèn luyện thêm trong các nhóm nghiên cứu trước. Chị cũng đề xuất cần có chính sách khuyến khích các nhà khoa học trẻ làm việc nhóm, tập thể bằng việc luân chuyển cán bộ, nhóm nghiên cứu sau khoảng thời gian nhất định để phát huy khả năng hòa nhập, tăng khả năng sáng tạo của các nhà khoa học trẻ.
Nhiều trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ đã đóng góp những giải pháp tâm huyết để phát triển khoa học, công nghệ nước nhà |
* Giải pháp khoa học, công nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học trẻ tâm huyết đã đề xuất các giải pháp về khoa học công nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Theo đó, các bộ, ban, ngành có thể dựa vào thực tiễn để “đặt hàng” các nhà khoa học trẻ nghiên cứu và tìm ra ứng dụng phù hợp; nghiên cứu, nhân rộng các mô hình, “sân chơi” cho các nhà khoa học trẻ như: Mô hình “Vườn ươm tài năng khoa học trẻ” là nơi tập trung các nhà khoa học trẻ năng lực tốt dưới 35 tuổi của anh Bạch Long Giang (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP Hồ Chí Minh); quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, “thước đo chuẩn” cho ấn phẩm khoa học công nghệ được đăng tải trên tạp chí và thước đo chuẩn quốc tế cho chính các tạp chí khoa học công nghệ tại Việt Nam của anh Phạm Văn Phúc (Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, Việt Nam cần nghiên cứu, quan tâm chính sách ngoại giao khoa học để tận dụng sự chia sẻ tài liệu, kiến thức, sản phẩm khoa học trong khu vực và quốc tế. Quan tâm truyền thông về sản phẩm khoa học, công nghệ, góp phần hỗ trợ đưa các sản phẩm khoa học công nghệ đến với cuộc sống. Xây dựng phương pháp, chỉ số đánh giá công tác ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn các địa phương để trở thành một trong những tiêu chí đánh giá trách nhiệm quản lý, điều hành của người đứng đầu địa phương./.