Tổng kết dự án trí thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch xã tại 64 huyện nghèo

Tổng kết dự án trí thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch xã tại 64 huyện nghèo

09:47 10/11/2017
    1498

Công tác giáo dục   Sáng 29-8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo (Dự án 600 phó chủ tịch xã). Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự còn có lãnh đạo Bộ Nội vụ, đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn và hơn 300 đội viên tiêu biểu.

 Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Thực hiện Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, đến ngày 30-6-2012, Bộ Nội vụ đã hoàn thành việc phối hợp với Trung ương Đoàn và UBND 20 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng chính trị cho 580 đội viên về công tác xã, đảm bảo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết quả phân loại đội viên theo các tiêu chí cho thấy, các đội viên dự án đều tốt nghiệp đại học có chuyên ngành phù hợp với nhu cầu của địa phương. Sau khi các đội viên dự án được bầu và phê chuẩn chức danh, các UBND xã đã phân công rõ trách nhiệm cho các đội viên cũng như thẩm quyền ký các văn bản thuộc lĩnh vực đội viên Dự án được phân công phụ trách. Cụ thể, có 322/580 đội viên được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế (chiếm 55,52%); 258/580 đội viên được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội (chiếm 44,48%).

Kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đội viên Dự án cho thấy, các đội viên đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Các đội viên đã có nhiều tham mưu giúp UBND xã ban hành quy chế làm việc; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và bộ phận một cửa tại UBND. Chỉ đạo, điều hành và trực tiếp tham gia thực hiện quy chế tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực phụ trách.

Các đội viên cũng đã có nhiều đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong 5 năm qua, đã có 351 đội viên chủ động tham mưu, đề xuất kế hoạch và trực tiếp triển khai được 834 chương trình, đề án, mô hình phát triển kinh tế-xã hội góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đã có 822 mô hình (chiếm 98,6%) được chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá mang lại hiệu quả.

Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của của đội viên Dự án trong 5 năm công tác cho thấy, các đội viên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Số đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng đều qua các năm (năm 2013 có 132 đội viên; năm 2014 có 183 đội viên, năm 2015 có 168 đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).

Thực hiện mục tiêu của dự án, căn cứ hướng dẫn của Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quy hoạch đội viên Dự án bổ sung vào các chức danh lãnh đạo quản lý. Kết quả đã có 374 đội viên (chiếm 64,9%) được quy hoạch vào các chức danh: Trưởng phòng, phó trưởng phòng cấp huyện; bí thư, phó bí thư Đảng ủy xã… Tuy nhiên, kết quả thực hiện quy hoạch còn hạn chế, đến thời điểm kết thúc dự án, chỉ có 83 đội viên được bố trí theo quy hoạch đã làm ảnh hưởng đến việc bố trí, sử dụng đội viên sau khi kết thúc dự án. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện bồi dưỡng, rèn luyện và phấn đấu để đội viên dự án trở thành đảng viên. Đến nay, đã có 538 đội viên là đảng viên, số còn lại đều đã được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bồi dưỡng để phát triển Đảng.

Về công tác bố trí, sử dụng sau khi kết thúc dự án, tính đến ngày 30-6-2017, đã có 564 đội viên đủ điều kiện để bố trí công tác sau khi kết thúc dự án. Các địa phương đã bố trí công tác được cho 412 đội viên. Trong đó có 217 đội viên được bố trí làm công chức cấp xã; 13 đội viên được bố trí làm chủ tịch UBND xã; 68 đội viên được bầu tiếp tục giữ chức vụ phó chủ tịch UBND xã…

Sau 5 năm triển khai dự án, bên cạnh những mặt đã đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đầy đủ việc theo dõi, kiểm tra và giám sát thực hiện dự án và quá trình công tác của đội viên để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội viên dự án ở một số nơi chưa được coi trọng nên ngay từ khi đội viên về xã, cấp ủy, chính quyền xã chưa quan tâm bố trí cán bộ có năng lực theo dõi, giúp đỡ và bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương. Về phía các đội viên, một số đội viên chưa chủ động tham mưu, đề xuất cho địa phương các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; còn thụ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc chuyên môn được phân công…

Tại hội nghị tổng kết, đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép thực hiện nhân rộng mô hình này để tăng cường thêm lực lượng trí thức tham gia phát triển kinh tế-xã hội tại các huyện nghèo. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm biên chế để bố trí công tác đối với số đội viên còn lại của dự án; ban hành các cơ chế chính sách thực hiện mô hình tăng cường trí thức trẻ về công tác tại các huyện khó khăn. Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh tiếp tục theo dõi, bồi dưỡng và phát triển đội viên Dự án nhằm phát huy năng lực quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *