Tuyên Quang: Vai trò của tổ chức Đoàn trong phục dựng đám cưới truyền thống của dân tộc Tày

Tuyên Quang: Vai trò của tổ chức Đoàn trong phục dựng đám cưới truyền thống của dân tộc Tày

14:36 12/03/2018
    704

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vừa qua, Hội người Co tuổi xã Thái Sơn phối hợp với Đoàn thanh niên xã tổ chức phục dựng đám cưới truyền thống của dân tộc Tày được chính chủ thể văn hóa tái hiện tại thôn 2 Minh Thái, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên.

 Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái
Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái

Cưới xin là việc hệ trọng của cả đời người, vì thế, trong đám cưới truyền thống của mình, người Tày tiến hành rất cẩn thận. Theo tục lệ, cưới xin của đồng bào trải qua các bước: Lễ dạm hỏi; lễ hợp mệnh; lễ ăn hỏi và lễ cưới. Lễ nhận rể và đưa dâu là nghi lễ quan trọng trong chuỗi nghi lễ cưới hỏi của người Tày. Trong các nghi lễ này chứa đựng những phong tục tập quán cũng như những chuẩn mực ứng xử văn hóa và vốn tục lệ dân gian phong phú được đồng bào trao truyền qua các thế hệ và gìn giữ đến nay.

Thông qua “Lồng lảng” lễ xin dâu, nhận rể và đưa dâu do chủ thể văn hóa thực hiện, giới thiệu đến các đại biểu, khách tham quan một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Tày.

Bước đầu, đại diện của nhà trai và đại diện nhà gái thay mặt cho hai gia đình giao tiếp với nhau. Nhà trai đến nhà gái xin dâu gồm có “quan làng ké”, “quan làng ón”, khươi (chàng rể) và phù rể. “Quan làng ké” là người đàn ông đã đứng tuổi, có gia đình hạnh phúc, vợ con đầy đủ, tốt đẹp. Thay mặt nhà trai sẽ thực hiện các nghi thức cần thiết, giải quyết mọi việc thuộc về quan hệ giữa gia đình nhà trai và gia đình nhà gái. “

Quan làng ón” là người đàn ông còn khá trẻ, có tài ứng đáp và ca hát. Phù rể là thanh niên chưa vợ, đi cùng chàng rể để trợ giúp chàng rể những việc cần thiết. Tương tự như vây, đại diện nhà gái gồm có “pả mẻ ké”, “pả mẻ ón”, lùa (cô dâu) và phù dâu.

Đại diện nhà trai, nhà gái thực hành các nghi thức theo phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.
Đại diện nhà trai, nhà gái thực hành các nghi thức theo phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Tày

Trong đám cưới, trong lúc thực hành các nghi thức theo phong tục, đại diện nhà trai và đại diện nhà gái “giao tiếp” với nhau bằng cách ứng đáp và ca hát. Đó là Những lời hát chứa đựng tình cảm thương yêu của gia đình cũng như những lời dặn dò, răn dạy của cha mẹ dành cho con cái.

Các nội dung nghi lễ phục dựng đám cưới đã diễn ra thành công, trong đó có vai trò đóng góp quan trọng của Đoàn Thanh niên xã, như: 50 đoàn viên thanh niên xã Thái Sơn mặc trang phục dân tộc Tày để tham gia thực hiện các nghi lễ, phục vụ đám cưới … Thông qua các nội dung trong nghi lễ phục dựng đám cưới truyền thống đã giúp ĐVTN hiểu biết hơn truyền thống văn hóa, biết giữ gìn, trân trọng những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Đồng thời, cho thấy sự phong phú trong kho tàng văn hóa của người Tày cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa.

Được biết, huyện Hàm Yên đã có chủ trương nhân rộng các nét đẹp văn hóa truyền thống để tuyên truyền, giáo dục các thế hệ mai sau, trong đó có đám cưới truyền thống của dân tộc Tày. Đây là một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn, phát huy để xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội hiện nay, trong đó tuổi trẻ sẽ là lực lượng xung kích trong tham gia tuyên truyền và xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *