Đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên vay vốn, tìm kiếm đầu ra sản phẩm

Đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên vay vốn, tìm kiếm đầu ra sản phẩm

11:55 07/05/2018
    1714

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc trong vay vốn phát triển kinh tế, tăng cường hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, địa phương có cơ chế hỗ trợ thanh niên… là những vấn đề trọng tâm được các đại biểu thanh niên thủ đô đề xuất với tổ công tác của Trung ương Đoàn.
Chiều ngày 4/5, Hội nghị khảo sát phục vụ xây dựng Kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đoàn về hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế đã được tổ chức tại Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư thường trực Trung ương Đoàn tham dự Hội nghị.


Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị khảo sát phục vụ xây dựng Kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đoàn về hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế tại trụ sở Thành Đoàn Hà Nội

Đây là hội nghị thứ năm được tổ chức nhằm khảo sát phục vụ xây dựng Kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đoàn về hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Bí thư đoàn cấp huyện, cấp xã; đại diện Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội, CLB Thanh niên khởi nghiệp Hà Nội; các chủ nhiệm HTX, tổ hợp tác tiêu biểu, các gương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi của thủ đô…
Bất cập trong vay vốn phát triển kinh tế

Trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều hoạt động tích cực để hỗ trợ thanh niên Thủ đô vay vốn phát triển kinh tế. Điển hình như “Quỹ vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên thành phố Hà Nội” với 25 tỷ đồng được giao cho Đoàn Thanh niên quản lý đã giải ngân cho trên 400 lượt dự án; 3 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; hơn 166 tỷ đồng vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho 6.840 hộ vay… Tuy nhiên, những nguồn vốn này mới đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu về vốn của thanh niên và các thủ tục vay vốn còn nhiều cản trở.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dương – Bí thư Huyện đoàn Sóc Sơn cho rằng, rất khó để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, vì thế, thanh niên không trông chờ vào nguồn vốn của NHCSXH mà quan tâm tới cơ chế của các ngân hàng thương mại. Tổ chức Đoàn cần đẩy mạnh chương trình làm việc với các ngân hàng thương mại để tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế.

Đồng chí Lê Thị Điểm – Bí thư Huyện đoàn Hoài Đức chia sẻ, theo quy định, để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thì người vay vốn phải là chủ hộ và có tài sản thế chấp, trong khi thanh niên hầu hết là người trẻ sống cùng bố mẹ, không phải là chủ hộ cũng không có tài sản. Hơn nữa, ngân hàng cũng không chấp nhận thế chấp máy móc thiết bị hay các hợp đồng được ký kết. “Trung ương Đoàn cần làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ những rào cản trong vay vốn hiện nay”, chị Điểm đề nghị.

Cùng quan điểm, anh Trần Thanh Huy – Chủ nhiệm CLB Thanh niên khởi nghiệp Hà Nội cho biết, mỗi năm CLB của anh có hơn 1.000 sinh viên đăng ký tham gia. Tuy nhiên, sinh viên rất khó tiếp cận vốn vay về cả thủ tục và lãi suất. Không có vốn, nhiều ý tưởng hay có thể phát triển được đều chết yểu. Và nếu có vay được vốn thì cũng rất khó khăn cho người khởi nghiệp khi phải xoay sở trả nợ gốc và lãi, trong khi 3-5 năm đầu tiên là khoảng thời gian cần quan tâm đến phát triển sản xuất, sản phẩm.

TRần Thanh Huy - Chủ nhiệm CLB Thanh niên khởi nghiệp Hà Nội
Anh Trần Thanh Huy – Chủ nhiệm CLB Thanh niên khởi nghiệp Hà Nội nêu ý kiến

Một cơ chế ưu đãi và thông thoáng hơn từ cả NHCSXH và ngân hàng thương mại là mong muốn được nhiều đại biểu tham dự hội nghị đề xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thanh niên tiếp cận đa dạng các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế.


Khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm

Không tìm được đầu ra cho sản phẩm hoặc đầu ra không ổn định đã khiến nhiều mô hình kinh tế của thanh niên không thể mở rộng sản xuất, thậm chí phá sản dù sản phẩm có chất lượng.

Theo anh Vũ Minh Quyết – Chủ nhiệm HTX thanh niên phát triển kinh tế làng nghề Cự Đà, dù HTX đã có nguồn nông sản ổn định với sự liên kết với các hộ kinh doanh trong xã, nhưng đầu ra đang rất khó khăn nên HTX không thể mở rộng sản xuất kinh doanh. Cái anh đang thiếu là cơ hội gặp gỡ các doanh nghiệp thu mua và cơ hội tham gia tập huấn ứng dụng CNTT để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Đồng chí Trần Bảo Khánh – Bí thư Đoàn xã Vân Đức (huyện Gia Lâm) chia sẻ, Vân Đức là vùng trồng rau an toàn lớn của Hà Nội với nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cây trồng vẫn gặp khó khăn về đầu ra. Tổ chức Đoàn cần tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối người sản xuất với các doanh nghiệp.

Nêu ý kiến về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc – Phó bí thư Quận đoàn Bắc Từ Liêm cho rằng, sau quá trình “truyền lửa”, tổ chức Đoàn cần hỗ trợ đi vào chiều sâu hơn như tư vấn kỹ năng tìm đầu ra cho sản phẩm, hoạt động liên kết Doanh nghiệp phân phối với nhà sản xuất, hỗ trợ về kỹ năng, pháp luật cho thanh niên thực sự muốn khởi nghiệp, đa dạng sự hỗ trợ của Đoàn đối với thanh niên phù hợp với từng nhóm đối tượng…

Thực tế là nhiều thanh niên khởi nghiệp nhưng chưa chú trọng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đây là một thách thức rất cần sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn để thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp bền vững.


Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ từ địa phương

Theo đồng chí Đào Minh Đức – Bí thư Quận đoàn Hà Đông, hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp thời gian qua đã giúp khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo của thanh niên đối với vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho thanh niên như: về đất đai, thuế, máy móc thiết bị… vẫn chưa có. Nhiều thanh niên nông thôn muốn phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp đang gặp khó trong việc giao, thuê đất từ những chính sách hiện nay.

Đức - Bí thư Quận đoàn Hà Đông
Đồng chí Đào Minh Đức – Bí thư Quận đoàn Hà Đông đề xuất tổ chức Đoàn cần làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho thanh niên phát triển kinh tế

Cùng quan điểm, anh Lại Văn Hưng – Chủ nhiệm HTX môi trường sinh học thanh niên Sóc Sơn cũng cho rằng, tổ chức Đoàn cần làm việc với chính quyền địa phương để có cơ chế mở hơn đối với việc giao đất theo Nghị định 64. Ở diện tích không thể chuyên canh lúa nên tạo điều kiện cho thanh niên phát triển chăn nuôi hoặc cây trồng khác.

“Đất trồng lúa bị bỏ không vì hiệu quả thấp, nhưng tôi muốn đào ao nuôi cá cũng không được, muốn đổ thêm đất để trồng khoai cũng không xong”, anh Hưng nói.

Theo anh Trần Thanh Huy – Chủ nhiệm CLB Thanh niên khởi nghiệp Hà Nội, người trẻ khởi nghiệp gặp muôn vàn khó khăn, trong đó có thủ tục hồ sơ kinh doanh và chuyển đổi đất đai. Thanh niên muốn mở rộng sản xuất nhưng không thể xây nhà xưởng kiên cố trên diện tích đất thuê. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin về cơ chế chính sách cũng gây khó khăn cho thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp.

Anh Trần Thanh Huy đề xuất Trung ương Đoàn cần xây dựng một cổng thông tin để hỗ trợ thanh niên về cơ chế, chính sách, giúp thanh niên tìm kiếm các tài liệu hướng dẫn, sự hỗ trợ về pháp luật, các buổi hội thảo, lớp tập huấn… Đặc biệt, đây sẽ là nơi liên kết các mô hình kinh tế và các doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trước đó, Tổ công tác tham mưu Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI về hỗ trợ thanh niên làm kinh tế cũng đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của đoàn viên, thanh niên, cán bộ Đoàn tại 4 tỉnh: Bắc Kạn, Bình Định, Bến Tre và Lâm Đồng.

Tại 4 đơn vị, đoàn viên thanh niên đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn, đô thị cũng như các doanh nghiệp trẻ cũng đã nêu lên những khó khăn nhất định trong quá trình xây dựng các mô hình kinh tế như: Khó khăn về vốn; khó khăn về đầu ra sản phẩm; khó khăn về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; thiếu kiến thức vận hành, quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp; không nắm rõ các thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ phát triển kinh tế.

Đoàn viên, thanh niên cũng đề xuất nhiều nội dung mong muốn được tổ chức Đoàn hỗ trợ trong thời gian tới để xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế, góp phần phát triển kinh tế địa phương và đất nước, cụ thể: Hỗ trợ tập huấn kiến thức quản trị doanh nghiệp, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, đào tạo nghề chuyên sâu theo nhu cầu của thanh niên địa phương, tập huấn kiến thức tài chính; hỗ trợ tiếp cận các thông tin về cơ chế, chính sách, đặc biệt các chính sách về thuế, đất đai; hỗ trợ kết nối thị trường, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm; xây dựng các kênh thông tin định hướng thị trường cho thanh niên về phát triển sản xuất, tạo kết nối giữa cung và cầu trong đối tượng thanh niên; hỗ trợ chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, đặc biệt kỹ thuật sơ chế, chế biến nông sản; hỗ trợ tham quan các mô hình tiêu biểu của thanh niên làm kinh tế; tăng cường các hoạt động tuyên dương các gương điển hình; đề xuất chính sách hỗ trợ đối tượng thanh niên chậm tiến, hoàn lương phát triển kinh tế…

Tại Bình Định, tổ công tác đã đi thực tế, khảo sát mô hình nuôi tôm hùm của đồng chí Nguyễn Kim Hoàng, xã Nhơn Hải, TP. Bình Định và tham dự Chương trình nghệ thuật Đồng hành cùng thanh niên công nhân với chủ đề “Bình Định quê hương tôi”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *